Thăng Bình đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển sản xuất 18/08/2017 | 12:00 AM 3094 In Gửi Email Phóng to Thu nhỏ Tương phản Đọc bài viết Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của BCH Trung ương (khóa XI) về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, huyện Thăng Bình đã tạo được nhiều chuyển biến trong mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt là phát triển sản xuất. Huyện Thăng Bình có 22 xã, thị trấn với điều kiện tự nhiên, giao thông thuận lợi cho phát triển kinh tế; người dân cần cù chịu khó, sáng tạo, tích cực tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Để triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW và Chương trình hành động số 22-CTr/TU của Tỉnh ủy có hiệu quả, Huyện ủy Thăng Bình đã tổ chức quán triệt Nghị quyết tới tất cả các tổ chức cơ sơ Đảng để nâng cao nhận thức của các đảng viên; ban hành Chương trình hành động số 19-CTr/HU, ngày 26/3/2013 để tổ chức lãnh đạo đảng viên và nhân dân thực hiện các mục tiêu ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào thực tế tại địa phương. Huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả, mục đích ứng dụng KH&CN trong nhân dân thông qua hoạt động của các tổ chức, đoàn thể và hệ thống đài truyền thanh cơ sở… UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc triển khai, ứng dụng KH&CN trong tất cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục, y tế,… thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học trong cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 trong công tác quản lý ở cơ quan, đơn vị. Do đó dấu ấn KH&CN đã hiện diện trong tất cả các lĩnh vực đời sống, xã hội ở Thăng Bình. Trên lĩnh vực Khoa học y dược, đã có những tiến bộ mới, góp phần cải thiện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Các thiết bị công nghệ tiên tiến như hệ thống máy chụp CT xoắn ốc 2 lát cắt BrivoCT 325, hệ thống XQ kỹ thuật số công nghệ TFT FLAN PANEL, hệ thống máy xét nghiệm Cobas C311, máy siêu âm màu DOPPLER4D… được đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả trong hoạt động chẩn đoán để điều trị bệnh. Các trạm y tế cơ sở hằng năm được trang bị các dụng cụ mới, bổ sung và thay thế cho các trang thiết bị cũ nhằm nâng cao độ chính xác của công tác khám chữa bệnh. Sản xuất nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu rõ nét, các tiến bộ công nghệ được chuyển giao ứng dụng trong trồng lúa nước như đưa các loại giống mới vào sản xuất, tập trung nhóm giống lúa trung ngày năng suất cao, chất lượng cao, khả năng chống chịu tốt, thích nghi trên diện rộng, tỷ lệ dùng giống lúa kỹ thuật đạt trên 90%, trong đó lúa lai 35%; áp dụng rộng rãi chương trình “3 giảm, 3 tăng”, sử dụng công cụ sạ hàng, bón phân dúi sâu… đưa năng suất lúa hằng năm tăng (năm 2012 là 53,75 tạ/ha lên đến 56,06 tạ/ha vào cuối năm 2016). Số hộ dân được tham gia ứng dụng tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao trên 90%. Đưa các loại giống mới trên cây ngô (BiO seed, Pacific) vào sản xuất, nâng năng suất ngô từ 51,39 tạ/ha năm 2012 lên 54,71tạ/ha vào năm 2016; cây lạc đưa giống mới (L14) vào sản xuất, nâng năng suất lạc năm 2012 là 16,98 tạ/ha, đến năm 2016 là 18,17 tạ/ha; áp dụng biện pháp tưới phun mưa đem lại hiệu quả. Trong kỹ thuật canh tác đối với cây trồng nói chung, áp dụng các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng (ICM) đã giảm thiểu tác hại của sâu bệnh trên đồng ruộng và tác động xấu của thuốc hóa học đối với sức khỏe người nông dân và môi trường. Đặc biệt việc xây dựng cánh đồng mẫu trên cơ sở dồn điền đổi thửa, gắn với việc cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng, quy hoạch cơ sở hạ tầng như giao thông nội đồng, kênh mương nội đồng, đã tạo động lực khuyến khích nông dân tăng cường đầu tư phát triển sản xuất, giảm được công lao động, hạ chi phí đầu vào và nâng cao năng suất, sản lượng thu hoạch. Sử dụng chế phẩm sinh học ứng dụng cho việc phòng trừ sâu bệnh trên cây lạc nhằm tăng trưởng khả năng sinh trưởng, phát triển và phòng trừ nhóm bệnh héo rủ được áp dụng tại các địa phương đạt kết quả tốt. Những mô hình sản xuất mới được hình thành và đang phát huy hiệu quả như: mô hình trồng hoa phục vụ tết mang lại hiệu quả kinh tế cao tại Bình Triều, Bình Phục…; mô hình trồng dưa hấu có năng suất cao, tạo thu nhập đáng kể tại xã Bình Tú, Bình Quý, Bình Phục, thị trấn Hà Lam… Lãnh đạo huyện Thăng Bình nghiệm thu các mô hình khuyến công trên địa bàn huyện. Ảnh: MT. Trong sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, nhiều tiến bộ KH&CN mới được áp dụng vào sản xuất, chế biến. Các nhà máy sản xuất trong và ngoài cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đã có phương án lắp đặt hệ thống máy móc và dây chuyền sản xuất hiện đại, đáp ứng được nhu cầu về sản xuất như Công ty Khoáng sản Quảng Nam, Công ty Hoằng Tiệp, Công ty may Hòa Thọ Quảng Nam… Từ năm 2012 đến năm 2016, huyện đã tư vấn cho các đơn vị hợp tác xã (HTX) nông nghiệp lập dự án cải tiến và sắm mới công nghệ ép dầu lạc, dầu mè bằng thủy lực, đến nay đã có trên 15 hệ thống ép thủy lực được đưa vào vận hành. Nâng công suất ép từ 1.000 kg/ngày/bộng lên 1.500 kg/ngày/bộng, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập bình quân ngày công lao động từ 350.000 đ/ngày lên 550.000 đ/ngày. Riêng hệ thống ép dầu của HTX Bình Quý 1 và HTX Bình Nam có hệ thống lọc làm sạch dầu. Bên cạnh đó, Ở các làng nghề việc đầu tư ứng dụng KH&CN cũng diễn ra tích cực, có trọng điểm với các định hướng nhằm nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm như: Nghề chế biến bún, phở khô và bánh đa nem… Ngoài ra từ năm 2012 đến cuối năm 2016, huyện đã hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị và chuyển giao được trên 10 mô hình sản xuất, chế biến hàng thủ công mỹ nghệ và hàng nông sản. Với tổng kinh phí được hỗ trợ trên 850 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công của Tỉnh và huyện. Cụ thể: Mô hình sản xuất rượu dừa tại xã Bình Quý, máy móc thiết bị sản xuất sản phẩm từ mây, tre tại Bình An, Bình Quý, Bình Tú, thị trấn Hà Lam, chạm khắc gỗ mỹ nghệ 3D Bình Nguyên, chẽ chu hương tại thị trấn Hà Lam, máy chế biến bún sắn tại Bình Trị, Bình Quý…. Nhìn chung, nhờ dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất trong ngành công nghiệp, cùng với sự vận dụng linh hoạt về bố trí phương án kinh doanh của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh, nên đã góp phần làm thay đổi đáng kể giá trị và tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế của huyện. Năm 2012, giá trị sản xuất nền kinh tế là 1.819,5 tỷ đồng, đến cuối năm 2016 giá trị sản xuất Công nghiệp đạt 2.350 tỷ đồng, tăng nhiều lần so với thời điểm cuối năm 2012, trong đó tỷ trọng công nghiệp chiếm gần 30,4% trong cơ cấu nền kinh tế chung của huyện. Tuy nhiên việc ứng KH&CN mới chỉ tập trung ở một số lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, y tế... Nhiều doanh nghiệp nhỏ, cơ sở sản xuất trong làng nghề chưa nhận thức được ứng dụng KH&CN là nhu cầu thiết thực cần chủ động đầu tư thực hiện mà vẫn mong chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chưa có cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả của các chương trình nhiệm vụ khoa học. Kinh phí đầu tư cho KH&CN còn quá thấp. Việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động KH&CN chưa được chú trọng. Việc nhân rộng, đưa các kết quả nghiên cứu, thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống còn nhiều hạn chế. Hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN chưa thực sự trở thành phong trào sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ nghiên cứu KH&CN còn thiếu, chưa đồng bộ... Để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào thực tế và nâng cao hiệu quả đầu tư KH&CN, huyện Thăng Bình tiếp tục xác định việc phát triển khoa học công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền từ huyện đến cơ sở, gắn các mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng cấp; kế hoạch ứng dụng và phát triển KH&CN là một nội dung của quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và MTTQ về vị trí, vai trò của KH&CN trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chú trọng công tác đầu tư nghiên cứu, tiếp thu, áp dụng và làm chủ công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện của huyện, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển hạ tầng, nâng cao đồng bộ tiềm lực KH&CN, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn nhân lực tham gia vào các dự án và các đề tài khoa học, coi doanh nghiệp và các đơn vị dịch vụ công là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Bảo đảm nguồn kinh phí đầu tư cho KH&CN và sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ chi tiêu ngân sách. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về KH&CN. Tiếp tục kiện toàn, phát huy mạnh mẽ vai trò của Hội đồng khoa học và công nghệ cấp huyện, các tổ chức chính trị - xã hội trong các hoạt động tư vấn, phản biện xã hội. Củng cố, kiện toàn và tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý khoa học công nghệ cho đội ngũ cán bộ, công chức nhằm nắm bắt quy trình cũng như thực hiện công tác quản lý Nhà nước về khoa học công nghệ. Đẩy mạnh phong trào thi đua sáng tạo, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào thực tiễn ở cơ sở của các tổ chức và các cá nhân. Tạo cơ hội để tri thức tự nguyện đi đầu trong việc truyền bá những tri thức tiến bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp, trao đổi, giao dịch thông tin về KH&CN… nhằm áp dụng có hiệu quả những tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao dân trí của huyện./. T.C