Phạm Nhữ Dực (13..-1409)*

Phạm Nhữ Dực (không rõ năm sinh*) là con trai thứ năm của danh tướng Phạm Ngũ Lão (1225-1320) vốn có quê ở làng Phù Ủng, huyện Mỹ Hào, Thừa tuyên Hải Dương (nay là huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Sau đó ông di cư vào sống ở xã Lỗ Huyền, huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên, Thừa tuyên Thanh Hoa (nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) và trở thành thủy tổ của tộc Phạm tại đây.

     Tương truyền, Phạm Nhữ Dực là con nuôi của thượng tướng Trần Khắc Chung, người, theo tương truyền đã được vua Trần Anh Tông sai vào Đồ Bàn năm 1307 để cứu Huyền Trân Công chúa khỏi phải lên giàn hỏa chết theo chồng như qui định của phong tục Chiêm Thành.
     Năm Mậu Thân 1368, vua Trần cử Trần Thế Hưng, Đỗ Tử Bình và Phạm Nhữ Dực đem quân chinh phạt Chiêm Thành. Cuộc hành quân vừa đến phủ Thăng Hoa thì có sứ thần Chiêm là Mục Đà Na đến xin trả lại Hóa Châu.Hai bên đang tiến hành hòa giải thì Chế Bồng Nga đem quân đánh úp.Tướng Trần Thế Hưng bị bắt. Đỗ Tử Bình và Phó tướng Phạm Nhữ Dực phải rút quân về.
     Năm Canh Thân 1380, Chiêm Thành đem quân tấn công vào Nghệ An. Vua Trần Nghệ Tông cử Lê Quý Ly (sau khi lên ngôi, đổi thành Hồ Quý Ly) lãnh thủy binh, Đỗ Tử Bình và Phạm Nhữ Dực lãnh bộ binh chặn đánh tan quân Chiêm ở sông Ngư Giang.
     Năm Mậu Tuất (1382), quân Chiêm lại tấn công Thanh Hóa, Lê Quý Ly và Phạm Nhữ Dực vây đánh, quân Chiêm phải rút chạy.
     Đến năm Tân Mùi 1391, tướng La Khải lên thay Chế Bồng Nga, đem binh xâm phạm Hóa Châu.Vua Trần Nghệ Tông lại cử Lê Quý Ly và Phạm Nhữ Dực chặn đánh quân Chiêm ở Trà Bàn.
     Dưới thời vua Trần Thuận Tông (1388-1398), Phạm Nhữ Dực được phong chức Hậu quân Trung đô Dực Nghĩa hầu.
     Khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần vào năm 1400, Phạm Nhữ Dực định đem quân về vấn tội họ Hồ nhưng chưa kịp hành động thì bị triệu về kinh. Nhận thấy chưa đủ thời cơ để phế trừ họ Hồ nên Phạm Nhữ Dực đành nghe theo lời Hồ Quý Ly đem quân đi bình Chiêm mở mang bờ cõi về phương Nam. Phạm Nhữ Dực cùng Đỗ Mãn, Nguyễn Cảnh Chân đem quân đi đánh Chiêm Thành.Vua Chiêm đánh không lại nên dâng đất Chiêm Động (Nam Quảng Nam) và Cổ Lũy (Quảng Ngãi) để cầu hòa. Nhà Hồ chia đất vừa lấy được chia thành 4 châu Thăng (vùng Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn) Hoa (vùng Tam Kỳ, Núi Thành, Tiên Phước), Tư, Nghĩa (vùng Quảng Ngãi).
     Sau khi chiếm đất Chiêm Động và Cổ Lũy, nhà Hồ cử Phạm Nhữ Dực làm Chánh Đô án vũ sứ châu Thăng Hoa, lo việc di dân người Việt, vỗ an người Chiêm để khai khẩn vùng đất mới. Chưa hoàn thành nhiệm vụ thì quân Minh đem quân sang đánh, bắt cha con Hồ Quý Ly về Tàu vào năm 1407. Nhân chuyện này, người Chiêm đem quân lấy lại đất cũ. Phạm Nhữ Dực cùng con là Phạm Đức Đề cầm quân chống lại người Chiêm.  Hai năm sau vào ngày mồng bốn tháng Mười năm Kỷ Sửu (1409) Phạm Nhữ Dực qua đời, được an táng tại làng Đồng Tràm, phủ Thăng Hoa (nay là xã Hương An, huyện Quế Sơn).
     Con trai trưởng của Phạm Nhữ Dực là Phạm Đức Đề cùng với Nguyễn Cảnh Chân tiếp tục sự nghiệp của ông đã quyết liệt chống lại quân Chiêm (khi họ tái chiếm lộ Thăng Hoa) nhưng vì thế cô nên cuối cùng Nguyễn Cảnh Chân phải chạy ra Nghệ An còn Phạm Đức Đề ẩn trốn ra vùng An Trường (vùng Điện Bàn, Bắc Quảng Nam). Các cháu của Phạm Nhữ Dực (con Phạm Đức Đề) là Phạm Nhữ Dự và Phạm Đức Bối cũng tham gia chống quân Minh và khi chết được chôn ở vùng Thăng Hoa.
     Chính vì thế Phạm Nhữ Dực được xem là Cao thủy tổ của họ Phạm tại vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay.
     Sau khi thắng quân Minh, lên làm vua, Lê Thái Tổ có câu đối tặng Phạm Nhữ Dực:
     Thiên điạ thử gian hoàn cựu vật
     Giang sơn chung cổ biểu tiền công

     Tạm dịch:  
     Trời đất khoản này hoàn vật cũ

     Nước non muôn thuở rạng công xưa

     Lúc ở ngôi chúa, sau khi chiếm vùng Ninh Thuận, thành lập dinh Thái Khương, Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) đã nhớ ơn những người tiên phong khai phá phương nam nên truy phong cho Phạm Nhữ Dực là Phủ Quốc công Nam dinh an vũ trấn khai vận sự thanh truyền Hậu quân trung đô Bình Chiêm Thượng tướng  Mô vĩ Hồng Huân Dực Nghĩa Hầu Phạm phủ Quân Thượng đẳng thần.
     Sau này chắc nội của Phạm Nhữ Dực là Phạm Nhữ Tăng trở thành Tổng chỉ huy đạo quân thủy bộ của Lê Thánh Tông trong cuộc bình Chiêm thắng lợi năm 1471 và trở thành Đô Ty Quảng Nam (vùng đất từ nam sông Bà Rén đến hết Quảng Ngãi ngày nay). Khi chết ở Bình Định, Phạm Nhữ Tăng được vua Lê Thánh Tông cho cải táng về quê nhà ở châu Thăng Hoa.
     Uống nước nhớ nguồn, người dân Thăng Bình nói riêng, Quảng Nam nói chung đã xem Phạm Nhữ Dực là “thượng tướng bình Chiêm”, một trong những “Đại khai tiên chỉ” của quê hương mình và ngôi mộ của ông - ngôi mộ tổ của tộc Phạm - ở làng Đồng Tràm, gần làng Hiền Lương xã Bình Giang là di tích độc đáo của thời “mở cõi” gian khó nhưng hào hùng.
Ngôi mộ đất đơn sơ của Phạm Nhữ Dực ở Đồng Tràm, Hương An
L.T

  

·        * Tác giả Đức Trí trong số báo Đà Nẵng cuối tuần ngày 27/8/2010 cho rằng Phạm Nhữ Dực sinh ngày 16/10/1311. Không hiểu ông dựa vào nguồn tư liệu nào. Nhưng đây là thông tin không mấy khả tín vì nếu ông sinh năm này thì khi Hồ Quý Ly cử ông vào làm Chánh Đô án vũ sứ hai châu Thăng Hoa vào năm 1402 thì ông đã 91 tuổi. Không triều đình nào lại cử một cụ già trên 90 tuổi vào đảm nhận một công việc nặng nề ở vùng “ác địa” như vậy được.

Tin liên quan