Hà Đình Nguyễn Thuật (1842 - 1911) 08/03/2016 | 12:00 AM 4837 In Gửi Email Phóng to Thu nhỏ Tương phản Đọc bài viết . Cuộc đời của một vị đại thần Sách “Quảng Nam xưa và nay” của cụ Cử Hồ Ngận có viết: “Đến làng Hà Lam, phủ Thăng Bình về mùa hè, thấy một hồ sen, hương sắc thơm tươi, ấy là gần tới nhà Nguyễn Thuật, vì vậy ông lấy hiệu Hà Đình”(1). Trong hồi ký “Khúc Tiêu đồng” cụ Cử Hà Ngại cũng có nhắc mấy câu thơ Hà Đình “tự giới thiệu” về quê hương Hà Lam và ngôi nhà của mình: “Thập lý hà phong hương bất đoạn- Bảng kiều tây bạn thị ngô gia” nghĩa là “Mười dặm gió sen thơm chẳng dứt-Phía tây cầu ván đó nhà tôi”(2) Hà Đình sinh năm Nhâm Dần 1842, nguyên tên là Nguyễn Công Nghệ, sau cải là Nguyễn Thuật, xuất thân trong một gia đình Nho học vọng tộc. Gia phả tộc Nguyễn Công ở Hà Lam cho biết thủy tổ của họ là ngài Nguyễn Công Châu, quê xã Bình Luật, huyện Thạch Hà, phủ Hà Ba, Thừa tuyên Nghệ An di cư đến làng Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, Thừa tuyên Quảng Nam ,cho đến nay đã truyền được 16 đời. Gia phả cho biết ông Nguyễn Công Để thuộc đời thứ hai của dòng tộc này là tướng dưới cờ Bình Chiêm Hưng Quốc của vua Lê Thánh Tông. Năm Tân Mão. 1471, đại quân tiến binh vào Nam đánh Chiêm Thành, mở rộng biên cương về phương Nam. Sau khi bình định xong lãnh thổ, Nguyễn Công Để được trấn nhậm Cai phủ, tước phong Phó đô hầu” (Hà Lam xã chí - Hội đồng bảo tộc tiên hiền Hà Lam biên soạn năm 2003). Hà Đình là con ông Nguyễn Đạo (1803-1872), một người cha nhân từ, phúc hậu, trong một gia đình nổi tiếng hiếu thuận, thật đúng câu “phu từ, tử hiếu, huynh hữu, đệ cung” (cha nhân từ, con hiếu kính, anh nhường nhịn bao dung, em cung kính lễ phép). Sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” của Quốc sử quán triều Nguyễn quyển 42 (Hạnh - Nghĩa) viết về Nguyễn Đạo như sau: “Tự là Suất Tính, người Lễ Dương, Quảng Nam. Lúc nhỏ mồ côi chăm học, đầu niên hiệu Minh Mạng (1820), hai lần đỗ tường sinh. Năm 40 tuổi, hạch theo lệ, được bổ giáo chức, vì có mẹ già xin từ chối ở nhà phụng dưỡng. Ở nhà, lấy việc cày ruộng, đọc sách làm nghề nghiệp, lấy hiếu, hữu, lễ, nhượng dạy con em, người làng đều cảm hóa theo. Tính chất phác ngay thẳng, đối với mọi người ít khi uốn mình chiều ý, nhưng mau cấp cứu khi hoạn nạn, vui lòng giúp đỡ khi túng thiếu. Hồi đầu niên hiệu Tự Đức (1848) mùa màng luôn bị thất bát, Đạo quyên chẩn không ngại tốn, làng Đạo ở và những thôn, xã lân cận nhờ được qua (đói), sống rất nhiều. Đạo lại quyên thóc ra khuyên dân lập nghĩa thương làm kế phòng đói. Tỉnh đem về tâu lên, tiết thứ được thưởng áo lụa mầu (2 chiếc) và phi long ngân tiền (12đồng). Từ năm Mậu Ngọ đến năm Qúy Hợi (1858-1863) vùng bờ biển hữu sự, dân trong hạt đói, tỉnh thần phái ủy cho Đạo đi khuyên quyên được hơn 6 vạn quan. Đạo lại tự quyên tiền của nhà để cấp cho hương binh và giúp việc phát chẩn, tiền cũng như thóc đều kể có hàng vạn...Hai phường An Phú, Dục Thúy trong huyện không đất, ăn ở lênh đênh trên mặt nước, Đạo khuyên dân xã mình trích ra hơn 20 mẫu công điền nhượng cho. Việc tâu lên, dân xã được thưởng một tấm biển 4 chữ “Thiện tục khả phong”...Huyện hạt từ trước chưa có văn chỉ, Đạo phối hợp với thân sĩ trong huyện đi khuyến dân quyên cúng và nhượng đất công dựng văn chỉ ở ngay làng mình...Đạo lại khuyến khích dân làng đặt ra học điền, dựng trường học văn, học võ, mời thầy về dạy. Cho đến đền, chùa, cầu, đập, đồng ruộng, thủy lợi, hết thảy đều được sửa sang, việc gì cũng rõ ràng đâu ra đấy, mà đều đôn đốc việc căn bản, cải thiện trong phong tục làm cái kế hơn hết về việc bảo đảm cư tụ cho dân.Lâu rồi của để dành của dân dồi dào, gặp năm đói không phải xin nhà nước cấp giúp nữa” (3). Như vậy cha ông là “một bậc nghĩa sĩ phẩm hạnh”. Anh ông là Nguyễn Đạo “lúc trẻ có tiếng hay chữ, Thiệu Trị năm thứ 6 (1865) đỗ hương tiến, 6 lần thi Hội (Lễ vy) đều bị hỏng. Tự Đức năm thứ 15 (1862) mới được do lệ tuổi bổ Huấn đạo huyện Gia Lộc. Nhân có việc bổ đổi đi Hương Trà, sau thăng Biên tu, sung Tập hiền viện khởi cư chú, giữ việc chú thích các thơ và sử vua làm ra cùng biên tập các sách sử yếu. Năm thứ 18 (1865) đổi lĩnh huyện Phù Cát”(4). Anh ông do có công và liêm khiết được thưởng tấm biển có 4 chữ “Liêm, bình, cần, cán”, từng cải bổ phủ Hoài Đức, thăng Thị độc lĩnh Án sát sứ Hải Dương, Bố chánh Quảng Bình, Nam Định, Sơn phòng sứ Quảng Nam, sung Sử quán Thừa biện.Cũng sách Đại Nam liệt truyện “Tạo là người thanh liêm, giỏi làm quan, làm quan ở đâu đều có tiếng tốt, được vua phê rằng : “Quan giỏi hiếm có”(5) . Em ông - liệt sĩ của phong trào Cần Vương - Nguyễn Duật hay Nguyễn Uýnh, đỗ Tú tài năm 1875, đỗ Cử nhân khoa Kỹ Mão 1879, đồng Cử nhân võ trong cùng năm được bổ chức Lãnh binh, xin khất không ra làm quan.Nguyễn Uýnh tham gia Nghĩa Hội với Trần Văn Dư từ tháng 7-1885, nhân dân Thăng Bình, Quế Sơn gọi ông là ông “Cử Hội”. Cuối năm 1885 tình hình Nghĩa hội Nghĩa Định (Quảng Nghĩa, Bình Định) bị Nguyễn Thân đánh phá ác liệt có nguy cơ bị tiêu diệt. Để trợ lực Nghĩa hội cử Tán tương quân vụ Nguyễn Uýnh cầm đầu một trong 5 cánh quân Quảng Nam vào phối hợp với 3 cánh quân của Nghĩa hội Quảng Ngãi - Bình Định đánh vào huyện lị Bình Sơn, Quảng Ngãi.Trận đánh thắng lợi, quân Nghĩa hội làm chủ huyện lị, quan quân triều đình tan rã. Đến tháng 7 năm Bính Tuất (1886) có lệnh của Quảng Nam rút 5 đội quân về. Đội quân Cử Hội đi hậu tập, khi ra đến cầu Cháy huyện Bình Sơn thì bị phục binh của Nguyễn Thân chặn đánh. Trong lúc hỗn quân, ông hy sinh tại trận vào ngày 5 tháng 9 năm Bính Tuất (1886). Quân triều được hỗ trợ của quân Pháp tiến ra truy bắt gia đình Nguyễn Uýnh tại Hà Lam, đốt nhà thờ tộc Nguyễn Công. Nguyễn Thuật là thân phụ cử nhân Nguyễn Chức cùng làm quan triều Nguyễn. Nguyễn Thuật hiệu Hà Đình (trong văn giới thường gọi thân mật là Hà Đình). Tự là Hiếu Sinh (hay Hiếu Sinh học). Tước là Trường An Tử. Lúc ông làm quan rồi về hưu nhân dân thường gọi là “Cụ Thượng Hà Đình”. Mẹ ông là bà chánh thất Võ Thị Tại (tùng nhị phẩm phu nhân). Thủa nhỏ ông học tại nhà, rồi học tại trường Huấn Thăng Bình, trường Đốc Quảng Nam. Năm Tự Đức thứ 20 (1867) ông thi đỗ cử nhân, năm sau Tự Đức thứ 21, ông đỗ luôn Phó bảng (1868), được triều đình bổ hàm Thị Lang nội các (1872), rồi không lâu tăng Giáo đạo (Trường Dưỡng Thiện) dạy các hoàng tử, rồi Tổng đốc Thanh Hóa... Hà Đình từng được phong hàm: “Thái tử Thiếu Bảo, Hiệp Biện Đại học sĩ, Quản Lãnh Lại Bộ Thượng thư, Sung cơ mật viện đại thần, Kinh Diên giảng quan, Tổng tài Quốc sử quán, Chánh nhất phẩm, Đông Các đại học sĩ. Đường quan lộ, ông là người kinh qua nhiều trách vụ, chức vụ khác nhau, khi thì ở triều đình, khi nơi biên quận.Ban đầu ông giữ chức hàm: Biên tu sung Hàn lâm viện nội các. Năm Tự Đức thứ 34 thăng hàm : “Tham tá các vụ” lãnh “Hộ Bộ thị lang” rồi phụng hàm chánh sứ sang Trung Hoa năm 1880, nộp biểu xưng thần, vận động ngoại giao với Trung Hoa về việc nước ta phải ký hòa ước Giáp Tuất (1874) với Pháp để Trung Hoa giúp sức. Mặc dù cuộc vận động bất thành, khi trở về ông được thăng hàm “Tham tri”. Năm Tự Đức thứ 30, ông được triều đình cử làm quan duyệt quyển cho khoa thi Hội Đinh Sửu (1877). Năm Tự Đức 36 (1883) ông lại phụng mạng đi sứ Trung Hoa, hội thương tại Yên Kinh (Bắc Kinh). Ở quê nhà Việt Nam, lúc đó vua Tự Đức băng hà. Ông ở Yên Kinh một thời gian, công việc lại không thành, ông về nước.Năm Giáp Thân (1884), năm Kiến Phúc nguyên niên, ông được bổ Tuần vũ Thanh Hóa. Năm Ất Dậu (1885), Pháp chiếm kinh đô Huế, ông được triệu về, sung chức Tuyên úy sứ Quảng Nam - Tả trực kỳ (Tả trực là tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi; Tả kỳ là tỉnh Bình Định, Phú Yên) để hiểu thị các tỉnh miền Nam Trung kỳ này, sau đó ông về kinh làm chủ khảo khoa thi Hội năm Đinh Hợi (1887). Từ thời điểm này, hoạn lộ của ông ngày càng thăng tiến. Năm Đinh Hợi (1887), năm Đồng Khánh thứ hai, ông phụng mạng Khâm sai làm Tổng đốc Thanh Hóa. Năm Giáp Tí, Thành Thái thứ năm (1893) ông về kinh, được phong hàm “Hiệp tá đại học sĩ” tùng Nhất phẩm-phong tước “Trường An Tử”, lãnh Thượng thư bộ Binh sung Cơ mật viện đại thần. Trong mười năm sau đó, ông làm Thượng thư đủ năm Bộ tại triều đình. Năm Thành Thái thứ mười ba (1901), do bất mãn với hành trạng xu phụ thực dân Pháp của Nguyễn Thân - nguyên do Cần chánh Nguyễn Thân (1840-1914) ra Hà Tĩnh dụ các Văn Thân chi đảng của cụ Phan Đình Phùng, đem về kinh thương lượng với Pháp, rồi đem ra pháp trường chém hết mười mấy người - việc này ông không chịu ký tên chuẩn y sự vụ, sau đó xin về hưu ngay trong năm 1901, lúc đang chức Thượng thư bộ Binh sung Cơ mật viện đại thần. Thời gian hưu trí tại quê nhà, ông mở trường dạy học, đóng góp công sức cho việc khuyến học, khuyến tài cho quê hương bản quán. Ông đóng góp ngân lượng nhiều nhất (20 lượng) cho việc hoàn thiện đình làng (Đình Hội Linh) vì “đó là việc thiện cũng như việc cứu người, nói công trạng an dân vậy”(6). Năm 1902 (Tháng chạp, năm Thành Thái 14) nhân vụ Nguyễn Thân (Cần chánh lãnh Binh bộ Thượng thư) bất hòa với Hoàng Cao Khải (Văn minh lãnh Lại Bộ Thượng thư) mưu đồ khuynh loát nhau, và Thân ỷ thế lộng hành, toàn quyền Pháp thương thuyết với vua Thành Thái đưa ông Khải ra làm Kinh lược Bắc Kỳ, còn ông Thân bị bãi chức, hạn trong 24 giờ phải dọn ra ở ngoại thành, đồng thời vua có chỉ triệu ông Hồ Lệ (đang nghỉ dưỡng bệnh) và Nguyễn Thuật (tức Hà Đình, đang về hưu ở Hà Lam) ra thế vị trí hai ông trên - ông Hồ Lệ làm Thượng thư bộ Binh, ông Hà Đình làm Thượng thư bộ Lại. Ngày 23 tháng chạp, Hà Đình cùng Hồ Lệ lai kinh nhậm chức. Khi đi, tỉnh đường và sĩ dân tổ chức tiệc tiễn hành rất trọng thể, hai bên đường Vĩnh Điện, thân hào nhân sĩ ra tiễn đưa rất đông (việc này ông có chép lại trong “Hà Đình nhật ký” ).Việc tái nhậm chức chứng tỏ tư cách ông và Hồ Lệ - trong hoạn lộ từng giúp vua, hết lòng vì dân, vì nước. Đến đời vua Duy Tân (1907-1916), ông vẫn giữ chức Thượng thư rồi về hưu lần thứ hai. Sau khi về hưu, ông dạy học tại quê nhà Hà Lam hơn tám năm. Năm 1911, ông bị bệnh mất vào ngày 25 tháng 11 năm Tân Hợi, hưởng thọ 69 tuổi Tây (âm lịch thọ 70 tuổi). Vua Duy Tân truy tặng Đông các điện đại học sĩ. Nguyễn Thuật là một đại thần, trải các đời vua Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phước, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, ông từng làm quan đủ sáu bộ trong Lục Bộ của triều nhà Nguyễn, từng hai lần đi sứ sang Tàu (một lần làm Phó Sứ (1881), một lần làm Chánh Sứ (1883)), từng chủ khảo các kỳ thi Hội mà gia cảnh vẫn thanh bạch, đương thời ông được giới sĩ phu và nhân dân trọng vọng. Một con người thông tuệ, một nhà ngoại giao thương dân, yêu nước Hà Đình trước hết là một người cầu học và học rất thông minh, “chữ viết tốt như thiệp Tàu”(7), thi Hương trước đỗ Tú tài, sau Cử nhân, rồi ra tập bài với các vị đại khoa, thi Hội đỗ Phó bảng.Đôi câu đối của viên chánh tổng trong làng mừng ông thi đỗ được mọi người truyền tụng: Phiên âm: Sư tư sắc Nguyễn Tấn Sĩ, Ngụy Thám hoa, Trần Tam nguyên, học hành tảo hy Hương Thủy bắc Khoa đệ tắc Tý Tú tài, Mẹo Cử nhân, Thìn Phó bảng, tài danh cao chiếu Hải Vân nam Tạm dịch: Thầy thi Tấn sĩ họ Nguyễn, Thám hoa họ Ngụy, Tam nguyên họ Trần, theo đòi học hạnh bắc sông Hương Khoa thi Tú tài năm Tý, Cử nhân năm Mẹo, Phó bảng năm Thìn, lừng lẫy tài danh nam núi Hải (Cử nhân Hồ Ngận dịch) Ông làm quan dù ở chức vị nào, chính sách cũng khoan hòa, nhân tình cảm phục. Ông là một vị đại khoa đa tài, giàu tình nghĩa, ở trong ông có sự nhạy bén, mưu lược của một chính khách, tài năng hùng biện, quan hệ rộng, sâu với đồng sự của một nhà ngoại giao, tài học uyên nhã của một nhà giáo dục,kiến văn sâu rộng của một sử gia (ông từng là Tổng tài Quốc sử quán), một nhà thơ trác tuyệt (có hơn 500 bài), một thư pháp gia, họa gia (để lại nhiều tác phẩm thư pháp, bức họa). Ngoài sự khen tặng của các vua Việt Nam, ông còn được vua Quang Tự (1875-1908) nhà Thanh, Trung Hoa ban tặng sắc phong. Thi tài của ông tuyệt bút với số lượng rất lớn, trên 500 bài thơ văn chưa kể câu đối được lưu trữ ở Viện Viễn Đông bắc Bác cổ (“ E`cole francaise d`Extreme-Orient”) là nơi khảo cứu, lưu trữ tinh hoa văn hóa Việt cũng như trên thế giới. Trước hết ông là một người nặng lòng với nước, với dân, với gia đình họ mạc riêng tây cũng như với đồng bào chung cả nước. Còn nhớ khi Nghĩa Hội Quảng Nam thất bại, nhiều người bị bắt thì “với chức Tuyên úy xử trí đại thần, ông đã tư Viện Cơ mật xin cho những người thuộc giáo chức, lại dịch, dân binh, già yếu được chuộc bằng bạc và xin bỏ lệ phạt tiền đối với các tổng, lý địa phương nơi có người tham gia Nghĩa Hội. Nhờ đó không những anh và hai người em trai của ông thoát vòng lao lý mà còn có đến 865 người khỏi bị giam cầm, tra khảo, được cho về quê làm ăn”(8). Ông cũng xin triều đình khoan miễn thuế cho nhân dấn các tỉnh Quảng Nam, Thanh Hóa trong những năm đầu của triều Đồng Khánh. Sách “Quốc triều chánh biên toát yếu” chép “Tuyên úy xử trí đại thần Nguyễn Thuật đem tình hình điêu háo trong tỉnh Quảng Nam tâu lên, xin rằng trong năm Hàm Nghi, tỉnh ấy còn nhiều thuế đinh điền và thuế các hạng bao nhiêu xin gia ân tha hết (trừ thuế nha phiến, thuế yến sào, thuế mỏ than và thuế rượu, thời phải chiếu lệ nạp đủ). Ngài (Đồng Khánh) cho”(9). Đặc biệt, theo như Cường Để cho biết thì Nguyễn Thuật cùng với Trần Đình Phác, Nguyễn Hữu Bài, Nguyễn Thảng, Đào Tiến, Phạm Tấn và Đốc vận Hiền “đều là những người trong quan trường và có đầu óc trung quân ái quốc” gia nhập đầu tiên vào tổ chức Duy Tân hội lập tại nhà Nguyễn Hàm (Tiểu La Nguyễn Thành) ở sơn trang Nam Thạnh (nay thuộc xã Bình Quý, huyện Thăng Bình) vào năm 1904(10). Như vậy, sống và làm quan trong bối cảnh lịch sử hết sức nghiệt ngã, giữa một bên là triều đình cam tâm làm tay sai và một bên thực dân Pháp thống trị đất nước tàn bạo và hà khắc, bóc lột nhân dân đến tận xương tủy, tâm tư Hà Đình giằng xé thường trực giữa lẽ “trung quân” và “ái quốc”, giữa lẽ “hành” và “tàng”, “xuất” và “xử”. Ông có bà con với chí sĩ phong trào Duy Tân là Lê Cơ mà trong báo cáo của công sứ tỉnh Quảng Nam Charles gởi cấp trên đã lưu ý rằng Lê Cơ là “bà con với ông Hiệp biện Nguyễn Thuật, nguyên Thượng thư Bộ Lại”(11). Lúc làm quan ở Huế, ông dường có “thực nghiệm” phong trào duy tân bằng cách lập một làng thuộc địa phận huyện Phú Lộc (Thừa Thiên) “đặt tên là ấp Kinh Nam quy dân lập ấp, khai khẩn đất hoang, nhưng đất xấu, người sưa, kết quả không được như ý”(12) Về việc đi sứ sang Tàu, theo cuốn “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim chép thì vào năm Giáp Tuất (1874), triều đình Huế đã ký hòa ước với nước Pháp, công nhận nước Việt Nam đã độc lập, không thần phục nước nào cả. Nhưng lúc bấy giờ vì thế bất đắc dĩ mà ký hòa ước “chứ trong bụng vua Tự Đức vẫn không phục nước Pháp, cho nên ngài cứ theo lệ triều cống nước Tàu.Có ý muốn khi hữu sự, nước Tàu sẽ giúp mình”. Bởi vậy năm Bính Tý (1876) vua sai Bùi Ân Niên đi sứ nhà Thanh. Năm Canh Thìn (1880) lại sai Nguyễn Thuật, Trần Khánh Tiến, Nguyễn Hoán sang Yên Kinh dâng biểu xưng thần và cống lễ vật. Theo Hồ Ngận - “Một bên đã hòa với nước Pháp, nhận theo chiến lược ngoại giao của Pháp mà độc lập, một bên cứ triều cống nước Tàu, vì thế mà nước Pháp lấy điều đó trách triều đình ta”(13). Sách “Việt - Pháp bang giao sử lược” của Phan Khoang ghi nhận thì “sứ bộ năm Canh Thìn qua đến đế đô nhà Thanh còn có nhiệm vụ tâu bày việc nước Pháp xâm lăng, và bí mật cầu Thanh cứu viện”(14). Năm Tân Tỵ (1881) triều đình Thanh sai một viên quan tên Dương Đình Cảnh đánh tiếng là người của một hội buôn “Chiêu Thương cuộc” đến Huế xin lãnh việc vận tải, kỳ thật để do thám việc bên ta. Khi được tin báo Hà Nội thất thủ, vua Thanh sai chủ sự Dương Cảnh Tùng đến Quảng Đông cùng quan tỉnh ấy là Mã Phục Đôn, Châu Bính Lân sang ta. Dương Cảnh Tùng đến kinh rồi ra Hải Phòng qua các tỉnh miền Bắc xem xét tình hình.Nước ta cử Nguyễn Thuật làm Khâm sai cùng bọn Mã Phục Bôn qua Quảng Đông trình bày mọi việc với Tổng đốc Tăng Quốc Phiên truyền đạt lên vua Thanh.Xem vậy đủ biết “vua Tự Đức sở dĩ sai Nguyễn Thuật đi sứ sang Tàu là có ý cầu viện nhà Thanh để chống lại Pháp mặc dầu lúc ấy đã tạm điều đình với Pháp. Sau đó Lưu Vĩnh Phúc ở Tàu (tướng cờ đen) đem quân qua chống cự với Pháp. Trong khi đi sứ Tàu hai lần, Hà Đình giao thiệp với nhân sĩ, trí thức, văn nhân Tàu, thơ từ qua lại khá nhiều, nên vậy ông có quyển “Hà Đình thi tập” truyền lưu hậu thế. Bình nhật Hà Đình có thói quen ghi chép sự việc cần nhớ hàng ngày, tự tay ông chép bằng chữ Nho, nhiều đến mấy chục quyển gọi là “Hà Đình nhật ký”. Cụ Cử Hồ Ngận nhận xét về “Hà Đình nhật ký”: “Tuy biên chép đại lược, nhưng cũng tùy việc hoặc kiểm thảo, hoặc ngụ ý khen chê, người sau được xem các quyển ấy, hiểu biết được nhiều điều. Đơn cử việc ấy, đủ biết đức tính thận trọng của ông”(15) Một nghệ sĩ - con người của văn chương, nghệ thuật Khi được tấn phong tước “An Trường Tử”, ông có soạn bộ “Cung kỷ luân âm” ghi chép văn thơ của vua triều Nguyễn. Khi làm Thượng thư Bộ Lại, ông có tham gia “Mạc Vân thi xã” do các ông Tuy Lý Vương, Tùng Thiện Vương s&a