Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân Trương Thị Xáng 06/03/2016 | 12:00 AM 3136 In Gửi Email Phóng to Thu nhỏ Tương phản Đọc bài viết Liệt sĩ - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trương Thị Xáng sinh năm 1947, tại xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, ông bà, cha mẹ…đã từng tham gia và đóng góp công sức cho công cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết năm 1954, cha và chú của Trương Thị Xáng tập kết ra miền Bắc công tác; gia đình chị còn lại mẹ và 3 chị em. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình và quê hương giàu truyền thống cách mạng nên đồng chí Trương Thị Xáng đã sớm tham gia hoạt động cách mạng ở tuổi 15. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết chưa ráo mực, đế quốc Mỹ âm mưu phá hoại Hiệp định, hất cẳng Pháp, dựng lên ở miền Nam Việt Nam chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, chúng đã trắng trợn ngăn cản việc thi hành Hiệp định. Ở Quảng Nam, Mỹ - Diệm đã gây ra những vụ thảm sát đẫm máu ở Cây Cốc, Vĩnh Trinh, Hà Lam - Chợ Được…chúng đã tàn sát hàng trăm đồng bào, đồng chí của chúng ta. Từ năm 1955 đến năm 1959 địch khủng bố, đánh phá quyết liệt, những gia đình có người thân tham gia kháng chiến đều có người bị bắt, bị tù đày và giết hại bởi các đợt “tố cộng”, “diệt cộng” của kẻ thù. Trước tình hình đó, tình yêu thương đồng chí, đồng đội, quyết bảo vệ phong trào cách mạng lại dâng cao; đồng chí Trương Thị Xáng đã cùng mẹ và ông nội ngày đêm đào hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ “nằm vùng” hoạt động; giác ngộ, động viên bà con bền gan vững chí, tin ở Đảng, tin ở ngày thắng lợi; đảm bảo bí mật tuyệt đối và an toàn tính mạng cho cán bộ cách mạng hoạt động. Đồng chí Trương Thị Xáng lúc bấy giờ là cơ sở an ninh mật, được tổ chức phân công đảm trách hai nhiệm vụ: “Một là, ngụy trang cảnh giới địch cho cán bộ ở hầm bí mật trong nhà. Hai là, làm công tác liên lạc với các cơ sở cách mạng ở địa phương và truyền đạt các chủ trương của lãnh đạo cho cơ sở biết để thực hiện ”. Từ năm 1963 đến ngày 05.5.1964, vượt qua bao khó khăn, nguy hiểm đồng chí Trương Thị Xáng làm nhiệm vụ xây dựng đầu mối cơ sở an ninh mật và báo cáo kịp thời âm mưu thủ đoạn của địch cho các đồng chí lãnh đạo để hoạch định chủ trương, nhiệm vụ và biện pháp đối phó. Vào lúc 13 giờ, ngày 05.5.1964, đồng chí Trương Thị Xáng đi truyền đạt lệnh khởi nghĩa theo sự chỉ đạo của tổ chức và cùng với cơ sở bám sát theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của bộ máy chính quyền thôn xã của địch, những âm mưu, thủ đoạn của chúng và báo cáo phản ánh tình hình kịp thời cho tổ chức. Nhờ vậy, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Bình Giang diễn ra đúng kế hoạch và giành được thắng lợi. An ninh vũ trang huyện đã diệt và bắt gọn bọn ngụy quyền xã Bình Giang, thu toàn bộ vũ khí, hồ sơ tài liệu của chúng và bàn giao cho Ban chỉ đạo khởi nghĩa xã Bình Giang. Sau 2 ngày địch phản kích và giành lại quyền kiểm soát xã Bình Giang, chúng ra sức lùng ráp, bắt bớ, đánh phá các cơ sở cách mạng và những gia đình “liên can cộng sản”, trong đó, có gia đình và cá nhân đồng chí Trương Thị Xáng. Bọn địch một mặt tra tấn đánh đập rất dã man, đi đôi với thủ đoạn lừa bịp, dụ dỗ, mua chuộc, nhưng chị vẫn bền gan, vững chí, một lòng kiên trung “sống cùng Đảng, chết không rời Đảng”, thà hy sinh chứ không chịu khuất phục kẻ thù, cuối cùng bọn địch không có cơ sở buộc tội nên chúng phải trả tự do cho đồng chí. “Ngọc càng mài càng sáng”, chị lại tiếp tục hoạt động cách mạng, xây dựng cơ sở, đào nhiều công sự bí mật, để nuôi giấu cán bộ, bộ đội, đề cao cảnh giác, thường xuyên túc trực cảnh giới, theo dõi bọn mật vụ, do thám để có phương án xử lý từng vấn đề cụ thể, nhằm bảo vệ an toàn cho cán bộ, cơ sở, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để tiến tới khởi nghĩa giải phóng Bình Giang lần thứ hai. Đúng 12 giờ ngày 05.9.1964, nhân dân xã Bình Giang nổi dậy khởi nghĩa, diệt ác phá kiềm, giành chính quyền về tay nhân dân. Một lần nữa Bình Giang được giải phóng, đồng chí Trương Thị Xáng công khai gia nhập vào hàng ngũ An ninh vũ trang và du kích xã, cùng nhân dân đắp lũy, rào làng chiến đấu, đào địa đạo để cán bộ, du kích, bộ đội trụ bám đánh địch, giữ vững vùng giải phóng. Mỗi khi Mỹ, ngụy tập trung càn quét, lấn chiếm thì đồng chí Trương Thị Xáng biết vận dụng linh hoạt phương pháp đấu tranh, nếu địch ít thì cùng với đồng đội xuất kích tiến công tiêu diệt địch, ngược lại địch đông và mạnh thì đồng chí Trương Thị Xáng giấu súng, hóa trang hòa cùng cùng đội quân tóc dài hợp pháp đấu tranh chính trị, vận động binh lính địch phản chiến, bỏ ngũ, đầu hàng quay về với nhân dân. Trận càn ngày 22.02.1965, với 4 tiểu đoàn địch (03 tiểu đoàn cộng hòa và 01 tiểu đoàn địa phương quân) mở đợt càn quét, đánh phá vào xã Bình Giang. Lúc bấy giờ, đồng chí Trương Thị Xáng đóng vai phụ nữ nông dân sống hợp pháp để lãnh đạo, hướng dẫn nhân dân đấu tranh tại chỗ. Bọn địch lùng sục từ 8 giờ sáng đến 15 giờ ngày 22.02.1965 thì chúng phát hiện hầm địa đạo gần vườn ở của Trương Thị Xáng, bọn địch bắt dồn dân tập trung đào bới, quyết tâm tiêu diệt hết bọn “Việt cộng” đang trú ẩn trong hầm và phá cho được cái hầm địa đạo mà lâu nay chúng dò tìm mãi chưa phát hiện. Bằng sự mưu trí của mình, đồng chí Trương Thị Xáng đã lãnh đạo nhân dân cứ người này đào một lát cuốc thì người kia lấp lại ba lát cuốc. Trước tình hình đó, thấy nhân dân cứ chần chừ mãi, bọn địch tức tối liền dùng bán súng, giày đinh đánh đập nhân dân tàn bạo, buộc nhân dân phải đào cho bằng được. Ngay lập tức, đồng chí Trương Thị Xáng liền giã vờ đau bụng kêu la inh ỏi để nhân dân không đào địa đạo nữa mà lo cứu chữa cho đồng chí nhằm kéo dài thời gian buộc địch không thực hiện được âm mưu của chúng. Lúc bấy giờ, trời đã tối, bọn địch cho dân về, còn bọn chúng lo co cụm lại để ngày hôm sau tiếp tục càn quét, đánh phá, khi địch co cụm thì bọn chỉ huy phân công một trung đội gác giữ miệng địa đạo bị lộ. Đồng chí Trương Thị Xáng lúc này đã lãnh đạo cho một số nữ cơ sở chuyển sang đấu tranh binh vận, đồng chí cùng với một số nữ cơ sở đã cảm hóa trò chuyện với một số tên lính ngụy. Từ đó, đồng chí Trương Thị Xáng cùng với các cơ sở nữ đã lôi kéo được 3 tên lính ngụy quy hàng, đồng thời hợp đồng giờ G để đưa các tên này ra vùng giải phóng. Và điều đặc biệt ở đồng chí Trương Thị Xáng là đã trực tiếp cảm hóa, trò chuyện với tên Trung đội trưởng ngụy để nắm tình hình, âm mưu của địch, qua đó tên này tiết lộ, ngày mai (tức ngày 23.02.1965) chúng sẽ tăng thêm quân, có cả xe bọc thép cùng các phương tiện chiến tranh để tập trung đánh phá hầm công sự - nơi trú ẩn của cán bộ, du kích. Nhận được tin này, đồng chí Trương Thị Xáng nhanh chóng báo tin cho lãnh đạo và tham gia hướng dẫn cho 300 cán bộ, du kích đang trú ẩn ở địa đạo di chuyển đến nơi an toàn; sau đó, đồng chí Trương Thị Xáng trở về điểm đóng quân của trung đội ngụy tiếp tục vận động một số tên lính ngụy quy hàng cùng chị đi ra vùng giải phóng. Nhưng không ngờ, bọn địch đã đổi trung đội khác đến thay thế gác giữ nên vừa thấy đồng chí Trương Thị Xáng đi đến thì bọn địch đã nhẫn tâm nhã đạn. Trúng đạn, đồng chí cố gượng dậy thét gào, căm phẩn lũ cướp nước và bán nước trước khi trút hơi thở cuối cùng. Hình ảnh, con người và những cống hiến xuất sắc của đồng chí Trương Thị Xáng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước là bài ca hào hùng không bao giờ tắt. Hành động dũng cảm, ý chí kiên cường, không sợ hy sinh gian khổ, trọn đời vì nước quên thân, vì dân phục vụ, đồng chí Trương Thị Xáng xứng đáng là một bông hoa đẹp trong vườn hoa chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ghi nhận công lao to lớn, cống hiến xuất sắc đối với công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 27.4.2012 Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 543/QĐ-CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Trương Thị Xáng.