Huyện Thăng Bình - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

Huyện Thăng Bình nằm về phía Bắc tỉnh lỵ Quảng Nam, cách thành phố Tam Kỳ 25 km. Có diện tích tự nhiên 385,6 km2; dân số hiện nay có 181.455 người, mật độ dân số 471 người/km2. Phía Bắc giáp với huyện Quế Sơn và Duy Xuyên, phía Nam giáp với huyện Phú Ninh và thành phố Tam Kỳ, phía Tây giáp huyện Tiên Phước và Hiệp Đức, phía Đông giáp biển Đông. Toàn huyện có 21 xã và 1 thị trấn. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, huyện Thăng Bình là vùng chiến lược được xem như hậu phương, hậu cứ, bảo đảm tính liên hoàn của các huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

     Nhân dân Thăng Bình có truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, Thăng Bình có nhiều chí sĩ yêu nước đã tham gia và đóng vai trò cốt yếu trong phong trào Cần Vương. Tiêu biểu là cụ Tiểu La - Nguyễn Thành, cụ Nguyễn Uýnh…Từ khi có Đảng Cộng sản ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhân dân Thăng Bình được truyền bá tư tưởng tiến bộ và sớm giác ngộ cách mạng. Trong những năm thập kỷ 30 của thế kỷ XX, Thăng Bình đã hình thành các tổ chức chính trị của Đảng như: Hội Ái hữu, Hội Nông dân, Hội Thanh niên cứu quốc; nhiều thanh niên tham gia các tổ chức cách mạng như: phong trào truyền bá chữ quốc ngữ, thanh niên phản đế…Trong cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân Thăng Bình, bằng ý chí và sức mạnh của lòng yêu nước, luôn mài sắc ý chí, khắc sâu lòng căm thù quân cướp nước và bọn tay sai thực dân, đế quốc, đã vùng lên lật đổ chế độ phong kiến, thực dân, thành lập chính quyền cách mạng dân chủ nhân dân.
     Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Thăng Bình là vùng tự do, là hậu phương trực tiếp của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng - nơi đóng căn cứ, tập kết quân số, bổ sung lực lượng, huấn luyện binh khí kỹ, chiến thuật, giáo dục chính trị giữa các mùa chiến dịch. Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Thăng Bình đã tích cực bố phòng ở những nơi xung yếu, cắm cọc nhọn, gài mìn ở những bãi trống để phòng địch nhảy dù càn quét, đánh phá vùng tự do. Đặc biệt, bộ đội địa phương và du kích thoát ly của huyện đã nhiều lần chi viện cho vùng bị chiếm để cùng chiến đấu với các đơn vị bạn, diệt được hàng trăm tên địch.
     Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết. Thực hiện Hiệp định, quân đội Liên hiệp Pháp tiếp quản vùng tự do Thăng Bình, chỉ trong thời gian ngắn, ngày 04.9.1954, tiểu đoàn bảo an 611 của địch đã gây ra vụ tàn sát đẫm máu đối với nhân dân Thăng Bình và nhanh chóng trở thành cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được. Chỉ trong 04 ngày (04.9 - 07.9.1954), bọn địch đã bắn chết 43 người, bị thương 23 người và bắt giam tù 58 người. Sự căm thù lũ giặc đến tột đỉnh, tinh thần đấu tranh của nhân dân nhanh chóng trở thành cao trào, lúc đông nhất có tới hơn 5000 người.
     Ý nghĩa thắng lợi của cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được không dừng lại ở phạm vi địa phương mà còn là cuộc xuất quân đầu tiên đọ sức thử nghiệm của quần chúng cách mạng với chế độ tay sai của đế quốc Mỹ; tác động sâu rộng đến phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân trong tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Liên khu V và cả miền Nam lúc bấy giờ.
     Tiếp đến, địch khủng bố, đàn áp phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân, Huyện ủy Thăng Bình và các tổ chức trực thuộc phải chuyển sang hình thức hoạt động bí mật; tổ chức quần chúng được biến tướng thành các phong trào hoạt động thể thao, ái hữu…Nhưng với âm mưu, thủ đoạn cực kỳ nham hiểm và tàn bạo, chính quyền Ngô Đình Diệm đã thẳng tay đàn áp, truy bức, bắt bớ, bắn giết, thủ tiêu, giam cầm, tra tấn các đồng chí đảng viên cộng sản và những người cốt cán của phong trào cách mạng, chúng đã gây ra nhiều tội ác, “trời không dung, đất không tha”, biết bao đau thương, uất hận chồng chất, đè nén đối với nhân dân Thăng Bình. Đến năm 1957, với sự đàn áp, khủng bố dã man, Huyện ủy Thăng Bình bị bể vỡ, đảng viên trụ bám hoạt động đơn tuyến. Song với tinh thần yêu nước nồng nàn, quyết không ly khai Đảng, quyết không đầu hàng giặc, thà chết vinh hơn sống nhục, những người cộng sản ở Thăng Bình nằm gai, nếm mật đã kiên trì nhen nhóm xây dựng lại cơ sở cách mạng ngay trong lòng địch, chờ thời cơ cách mạng để vùng lên khởi nghĩa.
     Năm 1961, được sự hỗ trợ của các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh, Đội vũ trang tuyên truyền của huyện được thành lập và vũ trang diệt ác, phá kiềm ở các xã vùng Tây của huyện. Tháng 2 năm 1962, Thăng Bình được tỉnh bổ sung một số cán bộ, chiến sĩ, huyện rút một số cán bộ, đảng viên và một số nòng cốt ở đội công tác thành lập Trung đội vũ trang của huyện (lấy phiên hiệu là F111) làm nhiệm vụ chiến đấu. Đơn vị đã nhanh chóng trưởng thành và làm nòng cốt phát động phong trào toàn dân đánh giặc.
     Tháng 9 năm 1962, Tiểu đoàn 70 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Nam vượt sông Tiên, giải phóng Sơn - Cẩm - Hà và mở rộng địa bàn hoạt động ra các xã Bình Lâm, Thăng Phước. Cuộc chiến đấu của các lực lượng vũ trang huyện Thăng Bình chống địch càn quét tái chiếm lại vùng giải phóng trong các chiến dịch “Bình Châu - Dân Chiến” diễn ra quyết liệt trong suốt năm 1963.
     Tháng 8 năm 1964, trong cao trào giải phóng nông thôn, đồng bằng; dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Nam và Huyện ủy Thăng Bình, được sự hỗ trợ của các đơn vị vũ trang tỉnh, quân và dân Thăng Bình đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa quyết tâm giải phóng các xã vùng Đông Thăng Bình. Trong vòng 01 tháng ta đã tiến công liên tục và tiêu diệt hàng trăm tên tề ngụy, ác ôn, phá tan chính quyền cơ sở của địch ở các xã Bình Dương, Bình Giang, Bình Đào, Bình Hải, Bình Sa, Bình Nam, Bình Triều và một phần Bình Phục. Tiếp theo là cuộc đồng khởi giải phóng vùng Tây gồm: Bình Phú, Thăng Phước, Bình Lâm, Bình Lãnh, Bình Trị; vây ép quân địch và buộc chúng quay về phòng thủ ở các xã dọc Quốc lộ 1A. Đến cuối năm 1964, toàn huyện đã giải phóng được 13/20 xã với 2/3 dân số; tiêu diệt hơn 500 tên địch, thu hàng trăm súng các loại; kêu gọi hơn 200 binh lính địch bỏ ngủ trở về với cách mạng và có trên 600 thanh niên hăng hái tòng quân gia nhập quân giải phóng chiến đấu giải phóng quê hương.
     Để đáp ứng yêu cầu của tình hình chiến trường, ngày 10.01.1965, Đại đội V15 của huyện được thành lập, đơn vị làm nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân huyện Thăng Bình. Tháng 2 năm 1965, Bộ Tư lệnh Quân khu V mở chiến dịch Xuân, mang tên Nguyễn Văn Trỗi. Địa bàn hoạt động chính của chủ lực Quân khu là Tây Thăng Bình, nhằm đánh địch, bóc gỡ các chốt điểm của địch ở phía Tây Thăng Bình, trong đó có chi khu quận lỵ mở rộng vùng giải phóng, nhằm ép quân địch xuống sát quận lỵ Hà Lam.
     Sau khi Chi khu quân sự - quận lỵ Hiệp Đức bị quân ta tiêu diệt, ngày 17.11.1965, nhất là trước nguy cơ đồn Việt An bị ta bao vây tiến công, quận lỵ Thăng Bình và Quế Sơn bị uy hiếp mạnh, ngày 06.12.1965, địch buộc phải tổ chức một Chiến đoàn gồm Tiểu đoàn 11 biệt động quân và 02 tiểu đoàn bộ binh thuộc Trung đoàn 5 Sư đoàn 2 ngụy, 01 đại đội bảo an, 01 đại đội biệt kích hình thành Chiến đoàn 5 mở cuộc hành quân giải tỏa theo hướng Hà Lam - Việt An trên trục đường 16.
     Khi quân địch hành quân theo đúng ý đồ tác chiến của ta, ngày 07.12.1965, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tập trung mọi lực lượng tổ chức trận tập kích tiêu diệt địch trên trục đường 16 đoạn từ Hà Lam đi Việt An. Lúc 11 giờ 30, ngày 08.12.1965, quân địch tiến quân đến rìa làng xóm Đình An, một bộ phận địch chạm phải lực lượng của ta bố trí tại tháp Đồng Dương buộc ta phải nổ súng. Nhận được mệnh lệnh, Tiểu đoàn 70, Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 của ta được phân công chốt chặn địch ở phía Bắc đường 16 đã nhanh chóng triển khai đội hình và nổ súng tấn công tiêu diệt địch. Trận đánh kết thúc 13 giờ 30 phút. Trong trận này ta đã tiêu diệt gọn Tiểu đoàn Biệt động quân ngụy số 11 và diệt 3 tên cố vấn Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu 244 tên trong đó có Ban chỉ huy, bắt sống 3 tên. Thu 48 súng các loại.
     Sau khi Tiểu đoàn 11 Biệt động quân ngụy bị tiêu diệt, khoảng 14 giờ, ngày 08.12.1965, địch dùng phi pháo bắn phá dữ dội đồng thời dùng trực thăng đổ quân chi viện để lấy xác, tổ chức tấn công đánh chiếm được Đá Biển lúc 17 giờ chúng nhích cả đội hình Chiến đoàn lên trú quân tại khu vực Đá Biển đến bình độ 25 - 30 Đồng Dương. Trước tình hình đó, Chỉ huy Sư đoàn 2 của ta đã ra lệnh tiêu diệt địch ở khu vực Đá Biển - Đồng Dương. Nhận được mệnh lệnh, các đơn vị thuộc Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 mặc dù đóng quân cách mục tiêu chiến đấu từ 5 - 10 km, nhưng đã khẩn trương bôn tập và quyết tâm giành chiến thắng địch trong trận tập kích khu vực Đá Biển - Đồng Dương, nên đã hành quân suốt đêm, triển khai đội hình và đúng 5 giờ 10 phút ngày 09.12.1965, các đơn vị nổ súng đánh địch đến 6 giờ 15 phút trận đánh kết thúc. Kết quả trận này ta đã tiêu diệt 2 tiểu đoàn bộ binh (tiểu đoàn 1,3), 1 trung đội biệt kích, 1 tiểu đội biệt chính, đánh tan rã 1 tiểu đoàn khác, diệt 528 tên, bắt sống 50 tên. Thu 160 súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng. Bắn rơi 4 trực thăng, bắn bị thương 2 máy bay phản lực.
     Tháng 7 năm 1966, du kích Bình Giang phối hợp với Đại đội V15 của huyện đánh bại 01 tiểu đoàn địch có 7 xe tăng đi kèm tại thôn An Giáo, tiêu diệt 60 tên địch, bắn cháy 02 xe bọc thép, thu 12 súng các loại.
     Ngày 17.01.1967, du kích Bình Trị chặn đánh 01 đại đội lính Mỹ từ Núi Ngang đi càn quét, diệt 26 tên, bắn bị thương 04 tên, bắn rơi 01 máy bay HU1A. Tiếp đến tháng 02 năm 1967, du kích Bình Dương và Bình Đào phối hợp phục kích tiêu diệt 27 tên lính thủy quân lục chiến Mỹ, bắn cháy 01 xe tăng, thu một số súng các loại.
     Đơn vị V15 bộ đội huyện được huấn luyện chiến thuật đặc công làm nhiệm vụ tiêu diệt các đồn bót địch trong công sự vững chắc, đã đánh 246 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 2.147 tên địch, làm bị thương 160 tên, bắt sống 25 tên (trong đó có 1 tên trung đội trưởng dân vệ); diệt gọn 5 tiểu đội, 11 trung đội; thu trên 400 súng, hàng chục máy PRC; bắn rơi nhiều máy bay và bắn cháy nhiều xe quân sự của địch. Trong đó có những trận đánh tiêu biểu xuất sắc như: trận tập kích vào khu dồn Tư Thiết trong chiến dịch Xuân 1966, diệt 01 trung đội địch 35 tên (trong đó có 5 tên Mỹ), thu 10 súng các loại; tập kích tiêu diệt các chốt điểm Chợ Được - Bình Triều (1969), Mù U - Bình Giang (1969), Quán Giá - Bình Quý (1974), Bình Hội - Bình Quế (1974)… Với những thành tích xuất sắc, ngày 15.01.1976 đơn vị V15 được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
     Các đơn vị như Đại đội 9 bộ binh, Đại đội 1 bộ binh, Đơn vị công binh và Đại đội 2 đặc công trinh sát huyện luôn bám sát địa bàn chiến đấu và đạt hiệu suất cao. Cụ thể như:
     Đại đội 9 bộ binh thực hiện 300 trận đánh lớn nhỏ; tiêu diệt 1500 tên địch, thu 500 súng các loại, bắn cháy 30 xe bọc thép, 13 máy bay các loại.
     Đại đội 1 bộ binh, đã đánh 400 trận lớn nhỏ; diệt gần 1.000 tên địch; thu 300 súng các loại, bắn cháy 28 xe quân sự và bọc thép; bắn rơi 9 máy bay các loại.
     Đơn vị công binh, đánh 100 trận lớn nhỏ, tiêu diệt trên 500 tên địch; đánh sập 120 cầu cống, phá hơn 2 km đường giao thông, cắt đứt giao thông đường sắt nhiều đoạn.
     Đại đội 2 đặc công, tổ chức đánh địch 380 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 800 tên   địch; thu 300 súng, bắn cháy 26 xe quân sự và xe bọc thép, 10 máy bay các loại.
     Những năm 1969 - 1970, trên chiến trường huyện Thăng Bình trở nên cực kỳ khó khăn, ác liệt; kẻ địch tăng cường đánh phá để thực hiện “bình định” nông thôn, đồng bằng, cày ủi xóm làng, xúc tát nhân dân vào khu dồn ấp chiến lược, ngày đêm bắn phá với cường độ khốc liệt, nhưng nhân dân vẫn kiên cường bám trụ; một số khu vực trên địa bàn huyện kẻ địch không bình định được như: Đồng Linh, Phước Cang (Linh Cang), An Lý (Bình Phú), Cao Ngạn (Bình Lãnh), xóm Dừa (Bình Giang), thôn 4 (Bình Dương)…Từ các căn cứ trụ bám này, bộ đội và du kích tạo bàn đạp tấn công tiêu diệt địch. Cũng trong thời gian này, bọn lính đánh thuê Nam Triều Tiên tàn sát 73 người dân Bình Dương trong một hố bom chỉ vì đồng bào quyết không vào khu dồn dân của chúng.
     Năm 1972, bộ đội chủ lực Quân khu V tấn công giải phóng quận lỵ Hiệp Đức và một số xã phía Tây của huyện Thăng Bình. Các Tiểu đoàn 70, 72, 74 của tỉnh và các đơn vị bộ đội huyện vượt quốc lộ 1A, tấn công giải phóng các xã vùng Đông Thăng Bình, sau đó Tiểu đoàn 72 và Đại đội V15 cùng du kích, đội công tác, an ninh vũ trang các xã Bình Dương, Bình Đào… trụ bám đánh địch giữ vững căn cứ lõm Bàu Bính, Bình Dương, diệt hàng trăm tên địch, bắn cháy 14 xe tăng, bắt sống 01 xe M113, đây là chiếc xe tăng (xe bọc thép) bị bắt sống đầu tiên trên chiến trường huyện Thăng Bình. Không chiếm được căn cứ lõm Bàu Bính, Bình Dương, ngày 25.12.1972, Mỹ - ngụy dùng nhiều tốp máy bay B57 đánh bom, nhằm hủy diệt Bình Dương, làm chết 147 người dân.
     Để bảo toàn lực lượng, tránh sự tổn thất của nhân dân, Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo, giao cho Tiểu đoàn 72 bộ đội tỉnh mở đường, vượt Quốc lộ 1A và đưa toàn bộ số dân đang trụ bám tại căn cứ lõm Bàu Bính lên vùng chiến khu cách mạng an toàn.
     Sau Hiệp định Pa-ri, các lực lượng vũ trang Thăng Bình giữ vững ý chí quyết tâm chiến đấu, liên tục đánh địch bằng các hình thức, chiến thuật hiệu quả, giữ vững vùng giải phóng.
     Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, các đơn vị bộ đội huyện cùng du kích, đội công tác, an ninh vũ trang phối hợp chặt chẽ với Tiểu đoàn 70, 72 bộ đội tỉnh, mở đường dây, thọc sâu xuống vùng Đông, tấn công tiêu diệt hàng loạt chốt điểm của địch như: đồi Tương, miếu Ông Mèo, Chợ Được, Mù U…phá khu dồn dân, giải phóng các xã vùng Đông, tạo bàn đạp tấn công thành phố Tam Kỳ từ hướng Bắc và vây ép quận lỵ Thăng Bình. Ngày 26.3.1975, từ các mũi tiến công đồng loạt nổ súng bao vây, đánh địch, giải phóng hoàn toàn huyện Thăng Bình.
     Trải qua 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, các lực lượng vũ trang nhân dân huyện Thăng Bình đã đánh 2.966 trận lớn nhỏ, diệt 19.724 tên, trong đó có 333 tên Mỹ, 154 tên lính Nam Triều Tiên; làm bị thương 3.227 tên; bắt sống 1.309 tên; bắn rơi 56 máy bay; bắn cháy 1.143 xe quân sự, xe tăng và xe bọc thép; bắn cháy 10 hải thuyền và bo bo chiến đấu; đánh sập 158 lượt cầu cống; phá hàng ngàn mét đường giao thông; thu 10.825 khẩu súng các loại và hàng chục tấn đạn dược; 395 máy vô tuyến; phá banh 127 ấp chiến lược; đánh sập 25 cơ quan hành chính xã, chi khu; 01 phân chi khu cảnh sát; tổ chức hàng trăm cuộc đấu tranh chính trị với nhiều cấp độ khác nhau, mang lại hiệu quả thiết thực, vận động 2.100 binh lính bỏ hàng ngũ địch về với cách mạng.
     Để phục vụ chiến đấu, huyện đã tổ chức 01 bệnh viện, nhiều trạm phẫu tiền phương, kịp thời cứu chữa thương, bệnh binh và nhân dân. Nhân dân Thăng Bình đã đóng góp hàng chục vạn ngày công tiếp lương thực, tải đạn, khiêng thương; đào hầm hào, công sự chiến đấu; đóng góp 5 kg vàng, hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm cho công cuộc kháng chiến.
     Kết thúc cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược, toàn huyện có hàng chục ngàn người bị chiến tranh tàn sát, trong đó có 10.898 người được công nhận liệt sĩ; 1364 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, 236 bệnh binh; có 1.455 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện nay có 123 mẹ còn sống); 7398 người có công giúp đỡ cách mạng; 1168 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày.
     Với thành tích xuất sắc, Thăng Bình có 16 xã1 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó xã Bình Dương 2 lần vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (lần thứ nhất: năm 1969, lần thứ hai: năm 1972 và 01 lần Anh hùng Lao động năm 1985); đơn vị V15 bộ đội huyện; 24 cá nhân là con em của huyện Thăng Bình đã chiến đấu anh dũng trên khắp các chiến trường. Và ngày 29 tháng 01 năm 1996, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân Thăng Bình vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do Chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng. Ngoài ra, lực lượng vũ trang huyện còn được tặng thưởng 01 cờ đơn vị thành đồng quyết thắng; 01 cờ đơn vị quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược; 01 cờ đơn vị đánh sâu, diệt gọn; 05 Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì, Ba; 112 Huân chương, Huy chương, Bằng khen của Quân khu, tỉnh trao tặng. Riêng nhân dân được khen thưởng 13.137 Huân chương, 4393 Huy chương các loại.
     Từ sau ngày quê hương Thăng Bình được giải phóng (26.3.1975), là địa phương bị chiến tranh tàn phá nặng nề; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân gặp nhiều khó khăn; cơ sở vật chất kỹ thuật phân tán, manh mún; xuất phát điểm về kinh tế - xã hội thấp; nguồn tài chính chủ yếu dựa vào sự trợ cấp của tỉnh và Trung ương, dẫn đến việc đầu tư cho khôi phục và phát triển còn nhiều hạn chế, bất cập. Sản xuất công nghiệp chưa hình thành; ngành nghề tiểu thủ công nghiệp chưa được phát huy. Lĩnh vực nông nghiệp, đất đai hoang hóa, đầy dẫy bom mìn, nguồn nước tưới tiêu không có, chủ yếu dựa vào nước trời; sản xuất độc canh cây lúa truyền thống, tập quán canh tác còn lạc hậu, năng suất thấp. Lâm ngư nghiệp chưa định hình; giao thông, đi lại trắc trở, nhất là các xã vùng Đông, vùng Tây...
     Trước tình hình đó, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh, đã phá gỡ 275.600 quả bom mìn, san lấp hàng chục vạn hố bom để mở rộng diện tích; phá hủy hàng trăm km kẽm gai; tổ chức đưa trên 50.000 dân trở về làng cũ, ổn định cuộc sống; tiến đến khôi phục kinh tế, trước hết là toàn dân ra quân làm thủy lợi với khẩu hiệu “thủy lợi là cốt tử”, có trên 30 vạn ngày công của nhân dân tham gia xây dựng hồ chứa nước Cao Ngạn, Phước Hà, công trình đại thủy nông Phú Ninh và nhiều đập chứa nước lớn nhỏ nhằm chủ động tạo nguồn nước tưới tiêu cho cây trồng. Việc làm này đã giải quyết vấn đề có tính chất “cốt tử” đối với sản xuất nông nghiệp của một huyện có trên 90% người dân sống bằng nông nghiệp. Chỉ trong một thời gian ngắn đời sống của nhân dân đi vào ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Những năm đầu sau giải phóng, huyện đã cơ bản khắc phục hậu quả chiến tranh và chuyển sang thời kỳ cải tạo Xã hội chủ nghĩa, tạo dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội.
     Sau 40 năm (1975 - 2015), nhờ có đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, Thăng Bình đã và đang vận dụng sáng tạo các cơ chế và chính sách về kinh tế - xã hội đang dần được hoàn thiện, từng bước xây dựng và phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại h&am

Tin liên quan