Đại đội V15 Bộ binh huyện Thăng Bình - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân 06/03/2016 | 12:00 AM 3432 In Gửi Email Phóng to Thu nhỏ Tương phản Đọc bài viết Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, nhất là Chiến dịch Xuân 1965, ngày 10 tháng 01 năm 1965, Tỉnh đội quyết định thành lập Đại đội bộ binh của huyện, mật danh V15 trên cơ sở 3 trung đội vũ trang của huyện (gồm trung đội F111, Trung đội 2, Trung đội 3) và phân công đồng chí Trần Hiếu làm Đại đội trưởng, đồng chí Doãn Dư làm Chính trị viên Đại đội. Sau khi thành lập cán bộ, chiến sĩ đại đội V15, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, tích cực học tập, rèn luyện và nắm chắc chiến kỹ thuật; thành thạo cách đánh tập kích, phục kích tiêu diệt địch bằng các loại vũ khí hiện có. Ngày 07 tháng 7 năm 1965, đơn vị phối hợp với Tiểu đoàn 70, phục kích đánh địch trên đoạn đường Hương An - Mộc Bài, diệt gọn một tiểu đoàn cộng hòa thuộc sư đoàn 2 ngụy, bắt sống 45 tên, thu 150 súng các loại. Do yêu cầu chiến trường, đơn vị thường xuyên phân tán nhỏ lẻ, cơ động đánh địch trên khắp các địa bàn của huyện, để hỗ trợ phong trào đấu tranh và nổi dậy của quần chúng, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng. Ngày 12 tháng 2 năm 1966, đơn vị tổ chức đánh phục kích (lót phục) ở khu dồn Tư Thiết Hà Lam, diệt gọn một trung đội địch 35 tên (có 5 tên Mỹ), thu 10 súng các loại. Sau đó, từ tháng 2 đến tháng 6 năm 1966, phối hợp với chiến trường chung, Đại đội được giao nhiệm vụ vây ép và đánh tiêu hao một bộ phận sinh lực địch ở Quận lỵ Thăng Bình. Nổi bật, đơn vị đã tổ chức đánh các trận tại nhà Thông Kỳ - Hà Lam vào tháng 4 năm 1966; đánh đồn Tuần Dưỡng (Bình An) tháng 7 năm 1966; đánh trận Mộc Bài (Quế Sơn)… Quá trình nhận nhiệm vụ vây ép địch ở Quận lỵ Thăng Bình hoặc phục kích địch ở Quốc lộ 1A, trụ bám đánh địch dài ngày, dù bất cứ khó khăn, gian khổ nhưng cán bộ, chiến sĩ Đại đội V15 luôn luôn có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh chiến đấu, giữ vững tinh thần tiến công địch liên tục, dũng cảm, ngoan cường và lập được nhiều thành tích xuất sắc. Một trong những trận đánh tiêu biểu của đơn vị, đó là trận đánh đồn Hà Kiều (Hà Lam). Đồn Hà Kiều có vị trí quan trọng, chúng bố trí ở đây 01 đại đội lính ngụy, thường xuyên canh gác nghiêm ngặt với hệ thống phòng thủ kiên cố, được trang bị hỏa lực mạnh nhằm bảo vệ vững chắc cho quận lỵ Thăng Bình. Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, Đại đội V15 với tinh thần, ý chí quyết tâm, mưu trí và dũng cảm cùng với sự chuẩn bị tốt, đêm ngày 27 tháng 8 năm 1967, Đại đội đã tổ chức tấn công, tiêu diệt 40 tên, thu được nhiều vũ khí và nhiều quân trang, quân dụng của địch. Từ năm 1965 đến năm 1967, đơn vị vừa thực hiện chiến đấu, vừa cơ động và bám trụ hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy, góp phần tham gia xây dựng vùng giải phóng, xây dựng lực lượng vũ trang cơ sở (du kích), vừa tích cực xây dựng đơn vị phát triển và trưởng thành nhanh chóng; xứng đáng là đơn vị nòng cốt của huyện, góp phần tích cực bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng huyện nhà và niềm tin của quần chúng nhân dân với lực lượng vũ trang càng khẳng định. Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, cùng với tiếng súng tổng tiến công trên toàn miền, Đại đội được giao nhiệm vụ triển khai chiến đấu đánh thọc sâu vào chi khu cảnh sát quận lỵ Thăng Bình, các khu dồn Bình Đào, Bình Triều nhằm tiêu diệt sinh lực địch và hỗ trợ cho quần chúng nhân dân nổi dậy diệt ác, phá kèm, trở về làng cũ. Suốt 7 ngày tham gia chiến đấu, đại đội đã đánh tan 3 trung đội lính ngụy, diệt 62 tên địch; hỗ trợ cho quần chúng nhân dân nổi dậy phá ấp chiến lược, trở về làng cũ; góp phần cùng cả nước làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ" và ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pari. Tổng thống Mỹ Giôn xơn buộc phải tuyên bố “ném bom hạn chế miền Bắc Việt Nam” và thực hiện “phi Mỹ hóa chiến tranh”. Tức là, chuyển cục diện chiến tranh sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với âm mưu tăng cường xây dựng quân đội ngụy thay quân đội Mỹ trên chiến trường, rút dần quân Mỹ về nước, để tiến đến chấm dứt sự can thiệp của quân đội Mỹ ở Việt Nam. Năm 1969, Ních Xơn lên làm Tổng thống và tiếp tục điều chỉnh chiến lược phi Mỹ hóa chiến tranh ở Việt Nam, thay màu da trên xác chết, dùng quân Mỹ làm chỗ dựa của quân đội ngụy, dùng người Việt đánh người Việt. Để thực hiện âm mưu trên, Ních Xơn cùng lúc tiến hành 3 loại chiến tranh: Chiến tranh giành dân, chiến tranh bóp ngặt và chiến tranh hủy diệt, đẩy nhanh việc thực hiện bình định nông thôn bằng chương trình “bình định cấp tốc”, tiến hành đồng thời tập trung càn quét, lấn chiếm vùng giải phóng, lập đồn bót, xây dựng ấp chiến lược, xúc dân khỏi làng xóm tập trung vào ấp chiến lược, tách rời lao động với sản xuất nông nghiệp, nhằm triệt tiêu phong trào cách mạng để giành thắng lợi về quân sự và chính trị trên toàn miền Nam Việt Nam. Trên địa bàn huyện Thăng Bình, trong 2 năm 1969 và 1970, được xem là vùng trọng điểm đánh phá và bình định; Mỹ ngụy tập trung thực hiện hàng ngàn cuộc hành quân càn quét, đóng thêm đồn bót, lập thêm ấp chiến lược dày đặc, để tiến hành bình định: “bình định cấp tốc”, “bình định đặc biệt”, “bình định bổ sung”. Đối với vùng giải phóng, địch tăng cường ném bom, bắn pháo và rải chất độc hóa học hủy diệt môi trường sống, nhằm đánh bật lực lượng vũ trang của ta và buộc nhân dân không chịu nổi phải chạy vào khu dồn ấp chiến lược. Ở vùng tranh chấp, chúng đưa các Đội bình định đến các thôn, ấp, kiềm kẹp dân tại chỗ, phát triển hệ thống đồn bót; tăng cường gián điệp, mạng lưới mật báo kiểm soát dân, tìm diệt cơ sở bên trong của ta đi đôi với tuyên truyền tâm lý chiến để hù dọa, lừa phỉnh, chia rẻ nội bộ nhân dân. Nhiều khó khăn, thách thức mới đặt ra: lương thực, thực phẩm cạn kiệt; quân số thiếu; thuốc men, đạn dược thiếu; đau ốm tăng; các cơ sở sản xuất hư hỏng nặng. Nhận nhiệm vụ trên giao, đơn vị V15 đã xây dựng quyết tâm, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để tấn công chốt điểm Chợ Được (Bình Triều) vào đêm ngày 10.11.1969, diệt 102 tên, thu và phá hủy 20 súng các loại. Sau đó, tiếp tục vây ép điểm chốt Mù U (Bình Giang), diệt gọn đồi 30 xã Bình Hòa, diệt 1 trung đội 25 tên, bắt sống 3 tên, thu 1 máy thông tin và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch…Với những thành tích đó, Đại đội V15 được tặng thưởng Huân chương chiến công giải phóng hạng Ba. Giai đoạn 1970 - 1971 Mỹ ngụy tập trung thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, chúng tập trung càn quét, đóng thêm đồn bót, lập thêm ấp chiến lược dày đặc, để tiến hành bình định: “bình định cấp tốc”, “bình định đặc biệt”, “bình định bổ sung”. Sáu xã vùng Đông Thăng Bình là địa bàn trọng điểm của địch thực hiện thí điểm chương trình “bình định” nông thôn, đồng bằng của huyện. Bằng nhiều âm mưu, hành động dã man, lập ấp, dồn dân, đánh bật “cộng sản” ra khỏi nông thôn, giành thế mạnh trên chiến trường. Trước tình hình đó, cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị hạ quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ nhân dân và thành quả cách mạng. Trong trận đánh điểm miếu ông Mèo, đơn vị tiêu diệt 100 tên địch, phá hủy 60 súng, đã tạo niềm tin cho quần chúng nhân dân đối với phong trào cách mạng. Sau đó, tiếp tục đánh phản kích địch trên địa bàn xã Bình Dương; bám dân, bám đất, vây ép quân địch ròng rã 2 tháng trời, diệt nhiều tên, làm cho quân địch khiếp sợ, không dám mở rộng vành đai. Trong năm 1970, đại đội V15 đã đánh tổng cộng 45 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 20 tên Mỹ, 483 tên ngụy, làm bị thương 109 tên, bắt sống 12 tên, loại khỏi vòng chiến đấu gần 589 tên địch (trong đó có 29 tên Mỹ); thu 32 súng các loại, bắn rơi 1 máy bay, bắn cháy 12 xe tăng, xe bọc thép. Đơn vị đã giữ được ngọn cờ đầu của lực lượng vũ trang tỉnh và là đơn vị nòng cốt của các lực lượng vũ trang, bán vũ trang huyện và xã trên toàn huyện. Năm 1971, đơn vị đã tham gia đánh 19 trận, diệt 79 tên, bắt sống 9 tên địch, phá hủy và thu 47 súng, bắn cháy 2 xe tăng; đơn vị cũng đã cùng với du kích xây dựng được 15 cơ sở trong khu dồn, vận động được 15 thanh niên bổ sung cho lực lượng vũ trang. Với thành tích đạt được, đơn vị được tặng thưởng 12 Bằng khen, 15 Giấy khen, 8 Dũng sĩ diệt Mỹ, 5 Dũng sĩ Quyết thắng. Bước vào năm 1972, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, 100% cán bộ, chiến sĩ đơn vị V15 tham gia đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng. Qua học tập, đã nâng cao nhận thức, thông suốt tư tưởng, tạo được niềm tin phấn khởi với tinh thần quyết tâm cao trong toàn đơn vị. Sau đó, địa bàn vùng Đông Thăng Bình là trọng tâm chủ yếu của đơn vị tác chiến. Ngày 11.5.1972, địch dùng một chi đoàn xe bọc thép và một tiểu đoàn cộng hòa càn quét, đánh phá vào khu vực đơn vị V15 đứng chân. Suốt 8 ngày liên tục đánh trả địch quyết liệt, với ý chí kiên cường, dựa vào dân, ta tiêu diệt gần 100 tên và bắn cháy nhiều xe tăng của địch. Trong chiến đấu đã xuất hiện nhiều gương dũng cảm như tấm gương đồng chí Vĩnh dù mới 14 tuổi đời, 180 ngày tuổi quân, trong chiến đấu bị thương gãy 2 chân, nhưng đồng chí vẫn bình tĩnh, dũng cảm chiến đấu, dùng súng AK, lựu đạn đánh lui 2 trung đội địch, diệt nhiều tên và đồng chí hy sinh anh dũng; các đồng chí Hồ - Chính trị viên phó, Thanh - Trung đội phó… cũng là những cán bộ gương mẫu, gan dạ, dũng cảm trong chiến đấu, là tấm gương sáng của đơn vị. Tháng 6.1972, đơn vị thực hiện đánh sâu vào các ấp Bình Tịnh, Tân An (Bình Đào), chốt điểm Bình Hòa; cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt nhưng cán bộ, chiến sĩ của đơn vị vẫn bám trận địa, đánh trả địch quyết liệt, giữ vững vùng giải phóng. Trong năm 1972, đơn vị đã đánh trên 85 trận, tiêu diệt 518 tên địch, làm bị thương 35 tên, bắt sống 12 tên, loại khỏi vòng chiến đấu 565 tên; thu 64 súng các loại, bắn rơi 1 máy bay, bắn cháy 2 xe tăng, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Đơn vị đã được cấp trên trao tặng 3 Huân chương chiến công hạng Nhì cho 1 tập thể và 2 cá nhân; 45 Bằng khen, 35 Giấy khen, 20 Dũng sĩ Quyết thắng và 1 Cờ luân lưu Quyết chiến quyết thắng. Tại Đại hội mừng công lần thứ 8 của Lực lượng vũ trang nhân nhân giải phóng tỉnh Quảng Nam, đơn vị được Đại hội tuyên dương là đơn vị“kiên cường trụ bám, gắn chặt phong trào tác chiến thắng lợi”. Sau khi Hiệp định Pari được ký kết (27.01.1973), đơn vị được chuyển vùng hoạt động từ vùng Đông sang vùng Tây; quân số đơn vị giảm, nên phải bổ sung lực lượng, phần đông là các đồng chí nữ du kích các xã vùng Tây, vừa tập trung huấn luyện kỹ, chiến thuật, vừa động viên tư tưởng, quyết tâm vượt qua khó khăn, gian khổ để chiến đấu và giành chiến thắng. Trong năm 1973, đơn vị đã tận dụng các loại vũ khí thô sơ, cải tiến hàng ngàn quả mìn, đánh 32 trận lớn nhỏ, diệt được 62 tên, thu 5 súng các loại; giữ vững vùng giải phóng, góp phần cùng các lực lượng vũ trang hoàn thành nhiệm vụ. Đến cuối năm 1973, đầu năm 1974, đơn vị nhận nhiệm vụ tập trung xây dựng, củng cố để chuẩn bị cho nhiệm vụ chiến đấu mới. Tuy trong hoàn cảnh thực tế gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ được quán triệt tư tưởng với sự nổ lực quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã không kể ngày đêm, tích cực học tập, rèn luyện kỹ, chiến thuật, nhất là cách đánh tập kích, phục kích, vận động tiến công phù hợp với tình hình chiến trường. Bước vào chiến dịch Hè 1974, đơn vị đã ra quân trận đầu ngày 22.4.1974 tập kích chốt Bình Hội (Bình Quế), chỉ sau 5 phút chiến đấu, đơn vị đã làm chủ hoàn toàn trận địa, tiêu diệt 01 trung đội lính ngụy 22 tên, thu 4 súng AR15, phá hủy 1 máy PRC25 và đánh sập nhiều lô cốt, công sự của địch. Phát huy thắng lợi, ngày 28.4.1974, đơn vị V15 đánh tập kích vào chốt điểm Quán Giá (Bình Quý), diệt gọn một trung đội địch 20 tên, thu 4 súng AR15, 1 cối 60. Trong năm 1974, đơn vị tổ chức đánh 29 trận (trong đó có 13 trận tập kích, 1 trận cải trang và phản kích); diệt gọn 3 trung đội, 2 27 chốt; tiêu diệt 133 tên, làm bị thương 15 tên, trong đó có 1 tên ấp trưởng, 15 ác ôn và bắt sống 1 tên trung đội trưởng nghĩa quân. Thu được 19 súng AR15, 1 cối 60, một số đạn, lựu đạn và các loại vũ khí khác. Với những chiến công xuất sắc, đơn vị được tặng thưởng 1 Huân chương chiến công Hạng 2 và 2 Bằng khen; 2 cá nhân được tặng thưởng Huân chương chiến công, góp phần giữ vững đơn vị Cờ đầu trong đánh sâu, diệt gọn của tỉnh. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đơn vị V15 được đảm nhận phối hợp cùng với các đơn vị bộ đội tỉnh trên hướng chủ yếu giải phóng vùng Đông huyện Thăng Bình; độc lập đảm nhận thọc sâu hướng Đông sông Trường Giang; giờ G nổ súng tấn công đúng kế hoạch; tiêu diệt, làm tan rã địch sau đó nhanh chóng phát triển, cùng du kích, vũ trang an ninh, Đội công tác các xã phát động quần chúng, hình thành nhanh chóng lực lượng vũ trang tại chỗ tiếp tục chiến đấu. Đúng 6 giờ sáng ngày 17.3.1975, đơn vị đã nổ súng tấn công quân địch, phát động quần chúng nổi dậy giải phóng xã Bình Hải, rồi xã Bình Đào, Bình Dương; hỗ trợ nhân dân phá các khu dồn trở về làng cũ; cùng với chính quyền xây dựng lực lượng dân quân du kích và động viên thanh niên tham gia lực lượng vũ trang. Sau khi giải phóng hoàn toàn vùng Đông Thăng Bình, đơn vị còn phối hợp với lực lượng vũ trang huyện Quế Sơn đánh địch trên đường rút chạy. Sáng ngày 24.3.1975, đơn vị nhận nhiệm vụ trên giao phối hợp cùng với lực lượng vũ trang huyện Quế Sơn giải phóng xã Phú Phong; ngày hôm sau phục kích đánh địch tháo chạy trên đường Quốc lộ 1A, đoạn Mộc Bài - Bà Rén, bắn cháy nhiều xe quân sự và tiêu diệt nhiều tên địch. Trong suốt 10 năm chiến đấu, từ phối hợp đến độc lập tác chiến, Đại đội V15 luôn lập được nhiều thành tích xuất sắc. Đơn vị đã đánh 246 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 2.147 tên địch, làm bị thương 160 tên, bắt sống 25 tên; diệt gọn 5 tiểu đội, 11 trung đội; thu trên 400 súng, hàng chục máy PRC; bắn rơi nhiều máy bay và bắn cháy nhiều xe quân sự của địch. Sau năm 1975, đơn vị V15 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử và giải thể. Đến cuối năm 1978, cuộc chiến tranh bảo vệ trên tuyến biên giới Tây - Nam của Tổ quốc xảy ra và theo yêu cầu của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia; đơn vị V15 được tái lập và lên đường làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Tại chiến trường nước bạn, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã đoàn kết, anh dũng chiến đấu và góp phần tích cực vào việc tiêu diệt tập đoàn phản động Pôn Pốt, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Là đơn vị được hình thành vào đầu năm 1965, thời kỳ “Chiến tranh đặc biệt” bị phá sản và chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ chuẩn bị triển khai trên chiến trường toàn miền Nam. Cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị V15 đã kiên trì vượt qua khó khăn, thách thức; anh dũng chiến đấu, lập được nhiều chiến công vang dội; góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam: “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Tổ quốc thống nhất, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những thành tích chiến đấu của Đại đội V15 huyện Thăng Bình đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống “Quảng Nam trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”. Với những thành tích xuất sắc, cán bộ, chiến sĩ Đại đội V15 huyện Thăng Bình đã được Đảng và Nhà nước tặng 2 cờ luân lưu Quyết chiến, quyết thắng, 4 Huân chương Chiến công hạng Nhì và Ba. Đặc biệt, ngày 15.01.1976, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại đội V15 bộ binh huyện Thăng Bình.