Xã Bình Dương - 2 lần được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân 06/03/2016 | 12:00 AM 3716 In Gửi Email Phóng to Thu nhỏ Tương phản Đọc bài viết Xã Bình Dương nằm về phía Đông huyện Thăng Bình, cách thị trấn Hà Lam (huyện lỵ Thăng Bình) 10 km; cách tỉnh lỵ Quảng Nam (thành phố Tam Kỳ) về phía Đông Bắc khoảng 35 km. Phía Bắc giáp xã Duy Nghĩa, Duy Hải (huyện Duy Xuyên); phía Nam giáp xã Bình Minh, Bình Đào; phía Tây giáp sông Trường Giang và phía Đông giáp biển Đông. Bình Dương có diện tích tự nhiên 2.055 ha; dân số trong kháng chiến chống Pháp (năm 1946) có 9.159 người; trong kháng chiến chống Mỹ (năm 1975) có 4.276 người; đến nay dân số Bình Dương có 7.566 người. Từ bao đời nay, nhân dân chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, có 02 thôn: thôn Cây Mộc nhân dân làm nghề đánh bắt trên sông, thôn 6 nhân dân làm nghề biển; nhưng quanh năm phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nắng hạn, bão cát, gió Đông từ biển thổi vào… Do đặc điểm, điều kiện sống như vậy, nên từ xa xưa người dân Bình Dương đã cần cù lao động, chịu thương chịu khó, trải qua bao thế hệ, lớp cha trước, lớp con sau đã bám đất, giữ làng, xây nên bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng, có tinh thần đoàn kết trong chiến đấu, công tác và lao động sản xuất; có tình yêu quê hương, đất nước, thắm đượm đạo lý tình người. Những yếu tố địa lý, lịch sử đã tạo phẩm chất anh hùng bất khuất của nhân dân Bình Dương qua các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính từ lòng yêu nước, yêu quê hương, trước họa xâm lăng của thực dân Pháp, nhân dân xã Bình Dương đã hưởng ứng tham gia các phong trào chống thực dân Pháp như: phong trào Cần Vương, Duy Tân, Thái Phiên, Trần Cao Vân, do những người cốt cán ở Bình Dương tổ chức, hướng dẫn tham gia, đã gây được ý thức mới trong thanh niên và giai cấp nông dân về quyền dân sinh, dân chủ. Trong phong trào Duy Tân, ở Bình Dương có cụ Phan Đức Huệ (tức Phó Luyến) đã trở thành cơ sở tin cậy của Tiểu La – Nguyễn Thành; trong phong trào chống sưu cao thuế nặng năm 1908, ở Bình Dương có các ông Phan Giai, Kiểm Cập, Kiểm Hòe dẫn đầu tích cực tham gia. Tiếp đến là cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục Hội năm 1926, nhân dân Bình Dương cũng tích cực hưởng ứng; hai ông Kiểm Hòe, Hương Hinh đã chở một thuyền đầy dao, kiếm ra Hội An cho quân khởi nghĩa, giữa đường được tin bị lộ, hai ông phải đổ vũ khí xuống sông. Phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo được truyền bá đến Bình Dương tuy chậm nhưng phát triển vững chắc. Năm 1940, các đồng chí Phạm Pháo, đảng viên, quê ở xã Quế Phú, huyện Quế Sơn và Huỳnh Kim Nhi, quê ở Hội An đã giác ngộ đồng chí Ngô Thanh Dũng, Nguyễn Phô và dần dần thành lập được tổ chức Thanh niên cứu quốc ở xã. Đến giữa năm 1943, Bình Dương thành lập được chi bộ Đảng đầu tiên gồm có 03 đảng viên. Từ đó, chi bộ lãnh đạo phong trào quần chúng ở xã phát triển mạnh mẽ; các đoàn thể cứu quốc tích cực hoạt động và tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân. Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở phủ Thăng Bình, ngày 18.8.1945, dưới sự chỉ huy của các đồng chí đảng viên và những người cốt cán, nhân dân xã Bình Dương đã dùng gậy gộc, giáo mác, cuốc thuổng…rầm rập xuống đường hòa nhập với nhân dân các xã Bình Giang, Bình Đào… kéo về phủ lỵ Thăng Bình cùng nhân dân toàn phủ đấu tranh cướp chính quyền giành thắng lợi. Chính quyền cách mạng thuộc về tay nhân dân, Ủy ban kháng chiến được thành lập và các tổ chức xã hội cũng ra đời và làm nòng cốt trong các phong trào, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Được hưởng độc lập, tự do chưa được bao lâu thì nhân dân Bình Dương cùng đồng bào cả nước lại phải đứng lên cầm vũ khí chống thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ 2. Tháng 4 năm 1947, từ Hội An giặc Pháp bắt đầu tấn công vào Duy Xuyên, dùng ca nô đổ quân vào Bình Dương càn quét, đánh phá. Trước tình hình đó, nhân dân Bình Dương đã tập trung bố phòng, tổ chức cắm cọc dưới lòng sông; rồi lên Phú Cang phá đường tàu lửa, lấy thanh ray, tà vẹt về cắm thành hàng cừ dày 8 lớp, dài hàng trăm mét trên sông Trường Giang, ngăn chặn ca nô của địch. Du kích xã cũng đã nhiều lần phục kích và dùng nhiều loại chông, mìn cài cắm, gây thương vong nặng nề cho giặc Pháp. Mặc dù phải trực tiếp đương đầu với quân thù trong khi vũ khí được trang bị quá thô sơ, song nhân dân Bình Dương vẫn dũng cảm chiến đấu, gìn giữ quê hương. Vừa bố phòng, đánh giặc, vừa lao động tăng gia sản xuất, làm ra lương thực, thực phẩm, chẳng những đủ ăn mà còn có đóng góp cho kháng chiến. Đặc biệt, nạn đói năm 1951 - 1952 nhân dân Bình Dương còn nhận đỡ đầu giúp đồng bào xã Thăng Lâm (nay là Bình Quý, Bình Định Bắc, Bình Định Nam) góp phần qua cơn khốn khó. Qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, nhân dân Bình Dương ở vị trí tiền tiêu, nơi đầu sóng ngọn gió, là vùng giáp ranh giữa vùng tự do với vùng địch tạm chiếm, song vẫn kiên cường bám trụ, chiến đấu giữ vững vùng tự do. Có hơn 300 người con ưu tú của xã gia nhập du kích, bộ đội, làm cán bộ trên các chiến trường Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Hạ Lào, trong đó có 100 người đã anh dũng hy sinh. Từ khi có Đảng lãnh đạo, người dân giác ngộ cách mạng ngày càng nhiều; ai ai cũng nhận thấy được giá trị của độc lập, tự do. Chính nền tảng ấy đã tạo nên bản lĩnh của người Bình Dương trong cuộc chiến đấu chống quân thù xâm lược những năm sau này. Giai đoạn từ tháng 7 năm 1954 đến năm 1960, phong trào cách mạng được chuyển đổi theo sự chỉ đạo của Đảng, để chuẩn bị đội ngũ cán bộ lãnh đạo sau này cho xã Bình Dương, một bộ phận cán bộ ở địa phương được đưa ra miền Bắc để học tập; một bộ phận cán bộ được phân công ở lại gìn giữ phong trào. Khi Luật 10/59 ra đời, bọn Mỹ - Diệm đánh phá ác liệt, lê máy chém đi khắp nơi. Một số đảng viên bị thủ tiêu; có hàng trăm cán bộ và cơ sở cách mạng bị bắt giam, tra tấn dã man tại các nhà tù của địch. Tuy nhiên, cán bộ và nhân dân Bình Dương không khuất phục, vẫn một lòng theo Đảng, chấp nhận gian khổ, hy sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng. Nhân dân vẫn nuôi giấu cán bộ nằm vùng hoạt động, mạnh dạn đứng lên trừng trị những tên ác ôn, làm cho kẻ thù phải khiếp sợ. Trong những năm sống dưới chế độ Mỹ - Diệm, nhân dân và đảng viên đã bị sát hại hàng chục người, hàng trăm người bị tù đày ở khắp các nhà lao của kẻ thù nhưng lớp cán bộ, đảng viên này bị kẻ thù tàn sát, giết hại; lớp cán bộ, đảng viên sau sẵn sàng kế thừa, nung nấu ý chí, quyết trả thù nhà, đền nợ nước, gìn giữ quê hương. Tuy đứt liên lạc với cách mạng nhưng quần chúng nhân dân vẫn luôn ghi nhớ lời dạy của Đảng, của Bác “Còn non, còn nước, còn người, thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”; lòng tin sắt son đó mãi mãi đi vào trong tâm thức của mỗi người dân Bình Dương. Và rồi, cuối năm 1963, đầu Xuân năm 1964, nhân dân Bình Dương đã bắt được liên lạc với cách mạng, các cơ sở cũ được tiếp nối hoạt động trở lại. Cùng với phong trào đồng khởi của nhân dân vùng Đông Thăng Bình, ngày 05.5.1964, nhân dân Bình Dương với sự hỗ trợ của bộ đội huyện Thăng Bình đã đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân, nhưng do sự phối hợp không nhịp nhàng giữa các địa phương ở vùng Đông, bọn địch đã tập trung đánh phá và chiếm lại Bình Dương. Đúc kết kinh nghiệm từ lần đầu khởi nghĩa, đầu tháng 9.1964, tỉnh và huyện tăng cường lực lượng vũ trang để hỗ trợ Bình Dương và vùng Đông Thăng Bình đồng khởi. Đúng 12 giờ trưa ngày 05.9.1964, với sự phối hợp chặt chẽ, nhân dân Bình Dương đồng loạt đứng lên khởi nghĩa giành được chính quyền thắng lợi, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng; xây dựng vùng giải phòng, phát triển lực lượng chống trả các cuộc càn quét của địch, giữ vững vùng giải phóng. Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ bị phá sản. Không cam chịu thất bại, đế quốc Mỹ đẩy nấc thang chiến tranh lên chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Một giai đoạn chiến đấu mới quy mô hơn, ác liệt hơn sẽ bắt đầu trên quê hương Bình Dương. Từ năm 1966 - 1968, quân Mỹ - ngụy liên tục càn quét, đánh phá, đàn áp vùng đất này; hàng ngày chúng tập trung hỏa lực, các trận địa pháo từ Núi Quế, Tuần Dưỡng, Hà Lam, Cẩm Hà và từ Hạm đội của Mỹ liên tục bắn phá, kết hợp với các loại máy bay chiến đấu lùng sục, oanh kích ngày đêm. Tuy chiến tranh ngày càng ác liệt nhưng cán bộ, du kích cùng nhân dân vẫn bám đất, giữ làng. Với lời thề son sắc: “Một tấc không đi, một ly không rời”. Cán bộ, nhân dân Bình Dương vẫn tồn tại trên mảnh đất thân yêu của mình bằng phương thức: Chuyển hội họp, lao động sản xuất vào ban đêm; lực lượng du kích dựa vào công sự mật, khi địch đến thì nhân dân ngụy trang, che chở; khi địch đi thì nhận báo tin, dỡ nắp hầm; khi địch co cụm thì nhân dân giúp đỡ bao vây, tập kích tiêu diệt địch. Nhờ vậy, các cuộc càn quét lớn nhỏ của Mỹ - ngụy đều thất bại, không làm lung lay được ý chí của con người Bình Dương. Đội quân tóc dài của xã Bình Dương cũng đã nhiều lần tổ chức kéo lên quận lỵ Thăng Bình đấu tranh chính trị, đòi Mỹ rút quân, đòi không ném bom, bắn phá làng mạc, tàn sát nhân dân; nhiều lần đấu tranh trực diện, nằm trước đầu xe tăng của địch phản đối cày ủi, tàn phá nhà cửa, ruộng vườn… Cuối năm 1964, tổ chức đưa thanh niên địa phương lên cầu danh dự tại trường Hoà Bình (thôn Bàu Bính) tòng quân đánh giặc, đã có hàng trăm thanh niên lên đường nhập ngũ. Đến năm 1968, Bình Dương có 296 thanh niên tình nguyện tham gia lực lượng vũ trang của huyện và tỉnh Quảng Nam; số nam nữ thanh niên còn lại: 372 người (có 149 nữ; 51 đảng viên, 114 đoàn viên) tham gia lực lượng du kích xã, thôn của Bình Dương; lực lượng dân quân có 340 người, bình quân mỗi thôn có 2 trung đội. Tất cả đoàn kết một lòng, chiến đấu ngoan cường, không sợ hy sinh, quyết vì quê hương thân yêu. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ" và ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri. Tổng thống Mỹ Giônxơn buộc phải tuyên bố “ném bom hạn chế miền Bắc Việt Nam” và thực hiện “phi Mỹ hóa chiến tranh”. Tức là, chuyển cục diện chiến tranh sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với âm mưu tăng cường xây dựng quân đội ngụy thay quân đội Mỹ trên chiến trường, rút dần quân Mỹ về nước, để tiến đến chấm dứt sự can thiệp của quân đội Mỹ ở Việt Nam. Thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” kẻ thù tập trung đánh phá Bình Dương và các xã vùng Đông Thăng Bình ác liệt hơn, nhằm thực hiện kế hoạch “bình định” nông thôn, giành dân, lấn đất…Bọn lính đánh thuê Nam Triều Tiên cũng được điều động tăng cường càn quét, đánh phá Bình Dương. Chỉ trong một trận càn, bọn chúng đã giết chết 142 người dân vô tội (Trảng Trầm: 73 người, Bàu Bính: 54 người, thôn 6: 15 người). Tội ác chồng lên tội ác, từ đầu tháng 10.1969 đến 30.12.1969, bọn lính đánh thuê Nam Triều Tiên đã sát hại trên 800 người dân vô tội. Tuy vậy, cán bộ, du kích và nhân dân Bình Dương không nao núng tinh thần mà còn khắc sâu căm hờn quân cướp nước và lũ bán nước, đã tổ chức nhiều cuộc phục kích, gài mìn tiêu diệt địch, trong đó có trận đánh tiêu biểu vào sáng ngày 20.10.1969, bọn địch dùng trực thăng đổ quân, dùng giang thuyền, ca nô chắn giữ trên sông Trường Giang để bao vây. Lực lượng du kích phân tán ra các công sự mật ở các thôn, ban đêm tập trung lực lượng, dùng chiến thuật đánh du kích bằng các loại vũ khí thô sơ cải tiến như: pháo bay, bom bay, thủ pháo tập kích vào nơi đóng quân của chúng. Sau 15 ngày càn quét, địch đã bị du kích Bình Dương tiêu diệt hàng trăm tên, buộc chúng phải tháo lui. Tháng 6 năm 1970, địch mở cuộc càn quét quy mô, quyết tâm “bình định” cho được địa bàn “cộng sản” vùng Đông Thăng Bình. Chúng huy động một lực lượng lớn gồm: 09 tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ, 02 tiểu đoàn Nam Triều Tiên, 02 trung đoàn cộng hòa, 03 liên đoàn biệt động ngụy cùng với 130 xe tăng, xe thiết giáp và 40 xe cày ủi đất. Quân số của địch huy động cho cuộc càn này lên đến 9000 tên, gấp đôi dân số Bình Dương còn lại thời điểm lúc bấy giờ. Lực lượng du kích xã Bình Dương đã bám địch, đánh địch liên tục ngày đêm, nhưng do mức độ đánh phá ác liệt, ta cũng hy sinh nhiều, địch dồn được dân vào các khu dồn: Chợ Được, Thanh Ly và khu dồn tại chỗ. Để tiếp tục chiến đấu, cán bộ, du kích và nhân dân Bình Dương đã lập Căn cứ lõm Bàu Bính. Căn cứ lõm Bàu Bính đã trở thành Căn cứ địa của cách mạng, không chỉ của vùng Đông Thăng Bình mà cho cả cán bộ, du kích thị xã Hội An, một số xã huyện Duy Xuyên trú ngụ đi về làm nhiệm vụ của mỗi địa phương; là nơi tập kết lực lượng của tỉnh, của huyện tác chiến cả vùng Đông Thăng Bình. Do đó, kẻ địch phải bằng mọi giá phải loại bỏ cho được Căn cứ lõm Bàu Bính; tháng 10 năm 1972, chúng dùng máy bay B57 ném bom tọa độ xuống ngay Căn cứ lõm Bàu Bính làm chết 83 người. Trước sự đánh phá quyết liệt của địch, cấp trên quyết định phải bảo vệ nhân dân, tránh tổn thất lớn, bằng cách sơ tán nhân dân lên chiến khu vùng Tây của huyện. Ở Bình Dương, cán bộ, đội công tác, du kích vẫn bám địa bàn, các chi bộ bí mật trong khu dồn vẫn hoạt động, động viên nhân dân tin Đảng và duy trì phong trào cách mạng, mãi đến sáng ngày 22.3.1975, tại thôn 6 Bình Dương, Tiểu đoàn 70 bộ đội tỉnh đã nổ súng diệt gọn một đại đội địch. Đại đội V15 tiêu diệt chốt điểm đồi Mong. Đội công tác Bình Dương cùng với nhân dân đột nhập vào khu dồn tiêu diệt bọn ác ôn, bọn nghĩa quân ở khu dồn đồi Cà hoảng sợ, buộc phải giao nộp súng đầu hàng. Đại đội 16 đặc công tỉnh tiến công đồi Cây Mâm, tiêu diệt bọn Hội đồng xã. Tối ngày 22.3.1975, quân địch chốt giữ đồi Hợp tháo chạy về Hội An. Xã Bình Dương hoàn toàn được giải phóng. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân Bình Dương đã đóng góp cho kháng chiến: 62 tấn lương thực; 30 tấn thực phẩm; mua gạo cho bộ đội: 31 tấn; sản xuất 2.672 quả mìn tự tạo các loại; làm được 4.523 mét rào chiến đấu; tổ chức 1672 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt và làm bị thương hàng ngàn tên địch; bắn cháy hàng chục xe tăng, xe bọc thép và máy bay của địch; có 2.500 nam nữ thanh niên tòng quân tham gia bộ đội và bổ sung cho các ngành của huyện, tỉnh và Khu 5. Kết thúc cuộc chiến tranh, Bình Dương có hơn 4.700 người đã ngã xuống, trong đó được công nhận 1.367 liệt sĩ, 248 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện nay có 20 mẹ còn sống), trên 300 thương, bệnh binh; 33 người nhiễm chất độc da cam, hàng trăm người tù đày, trẻ em mồ côi. Nhiều gia đình, chi nhánh tộc họ không còn một người, bởi các vụ thảm sát man rợ đến nay vẫn còn gây nhức nhối trong lương tri nhân loại. Với những thành tích hào hùng ấy, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Bình Dương đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bình Dương được tặng thưởng: 110 Huân chương, (trong đó: hạng Nhất: 30, hạng Nhì: 35, hạng Ba: 45); 149 Huy chương, (trong đó: hạng Nhất: 54, hạng Nhì: 95,). Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đối với tập thể được tặng: 451 Huân chương (trong đó: hạng Nhất: 235, hạng Nhì: 95, hạng Ba: 121); 259 Huy chương (trong đó: hạng Nhất: 155, hạng Nhì: 104,), 02 lá cờ đơn vị Anh hùng, 01 lá cờ quyết chiến - quyết thắng; đối với cá nhân được tặng: 1.853 Huân chương, (trong đó: hạng Nhất: 115, hạng Nhì: 169, hạng Ba: 1.569); 1.021 Huy chương, trong đó: (hạng Nhất: 463, hạng Nhì: 558); 192 Bằng khen các cấp; hàng trăm Bảng vàng danh dự, trên 1400 gia đình được công nhận “Gia đình vẻ vang”.... Đặc biệt, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Bình Dương đã được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam 02 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; lần thứ nhất năm 1969; lần thứ hai năm 1972. Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, xã Bình Dương từ trong hoang tàn, đổ nát, đầy rẫy chứng tích đạn bom, khó khăn thử thách trăm bề, nhưng với tinh thần cần cù, sáng tạo, chịu thương, chịu khó; Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân, khẩn trương ra quân khai hoang phục hóa, phá gỡ bom mìn, làm giao thông thủy lợi, sắm sửa tàu thuyền, ngư lưới cụ, tích cực tăng gia sản xuất, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, từng bước khắc phục khó khăn. Đặc biệt, nhân dân Bình Dương vận động hàng ngàn người con lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Nam, phía Bắc; tham gia xây dựng các công trình hồ chứa nước Phú Ninh, La Nga - Cao Ngạn... Mười năm sau khi quê hương hoàn toàn giải phóng, bằng sức mạnh thần kỳ bởi truyền thống anh hùng trong kháng chiến, cán bộ, nhân dân Bình Dương đã lặn lội đến các xã bạn, để nhặt từng quả phi lao làm giống, ươm cây con để trồng và chăm sóc hàng chục triệu cây phi lao, biến hàng trăm héc ta cát trắng thành rừng phi lao để vừa chắn cát xâm nhập, tái tạo cân bằng môi trường sinh thái, tạo ra nguồn nước, cải tạo môi trường vừa là nguồn lợi kinh tế quan trọng của người dân Bình Dương trong những năm thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Với thành tích này, năm 1985, xã Bình Dương được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Xã Bình Dương vinh dự, tự hào lần thứ 3 được đón nhận danh hiệu Anh hùng. Bình Dương - Mảnh đất - Con người, đã vinh dự ba lần đón nhận danh hiệu Anh hùng đã và đang đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của quê hương Thăng Bình - Quảng Nam, như là một kỳ tích của tinh thần bất khuất; chiến đấu kiên cường; vượt qua gian lao thử thách; anh dũng hy sinh, góp phần làm rạng danh trang sử vàng của quê hương, đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng bộ và nhân dân Bình Dương đã tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức đã có những bước tiến vượt bậc: Từ một địa phương có điểm xuất phát thấp, trước năm 1985 hầu hết nhà cửa tranh tre vách lá, cơ sở hạ tầng yếu kém, đời sống nhân dân khó khăn quanh năm. Đến nay 100% hộ dân có nhà ở ổn định, nhiều nhà ki&ec