Xã Bình Chánh - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân 06/03/2016 | 12:00 AM 3340 In Gửi Email Phóng to Thu nhỏ Tương phản Đọc bài viết Bình Chánh là xã đồng bằng nằm về phía Tây Nam huyện Thăng Bình, cách thị trấn Hà Lam (huyện lỵ Thăng Bình) 8 km; cách tỉnh lỵ Quảng Nam (thành phố Tam Kỳ) về phía Tây Bắc 16 km. Phía Bắc giáp xã Bình Quý; phía Nam giáp xã Bình Quế; phía Tây giáp xã Bình Phú; phía Đông giáp xã Bình Tú và Bình Trung. Bình Chánh có diện tích tự nhiên 1.489ha; trong đó, đất nông lâm nghiệp thủy sản là 989,06 ha, đất phi nông nghiệp là 387,45 ha, đất chưa sử dụng là 112,74 ha. Dân số trong kháng chiến chống Pháp có 1.553 người; trong kháng chiến chống Mỹ có 2.127 người; hiện nay dân số Bình Chánh có 4.431 người. Nhân dân chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp; có truyền thống yêu nước nồng nàn, có lòng căm thù giặc sâu sắc; có tinh thần đoàn kết trong chiến đấu, công tác và lao động sản xuất; có tình yêu quê hương thắm đượm đạo lý dân tộc. Xã Bình Chánh trong thời kỳ kháng chiến chưa hình thành. Ngày 16 tháng 4 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định định số 156/HĐBT về việc thành lập xã Bình Chánh gồm thôn Tú Trà (xã Bình Tú), thôn Ngũ Xã, thôn Long Hội Hiệp (xã Bình Phú) và một phần đất của xã Bình Quế. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, nơi đây có vị trí chiến lược quân sự hết sức quan trọng, là hành lang căn cứ bàn đạp để các lực lượng vũ trang của ta tập kết vũ khí, xuất phát tiến công tiêu diệt địch ở Quốc lộ 1A và những mục tiêu hiểm yếu khác như: căn cứ Tuần Dưỡng, Ngọc Phô, Chợ Chiều, quận lỵ Hà Lam, tỉnh đường Quảng Tín… Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, chính từ lòng yêu nước, yêu quê hương, trước họa xâm lăng của thực dân Pháp, nhân dân xã Bình Chánh hưởng ứng, tích cực tham gia các phong trào chống thực dân Pháp như phong trào Cần Vương, Duy Tân, Thái Phiên, Trần Cao Vân, do những người cốt cán ở Bình Chánh tổ chức, hướng dẫn tham gia, đã gây được ý thức mới trong thanh niên và giai cấp nông dân về quyền dân sinh, dân chủ. Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở phủ Thăng Bình, ngày 18.8.1945, dưới sự chỉ huy của những người cốt cán, nhân dân xã Bình Chánh đã dùng gậy gộc, giáo mác, cuốc thuổng…rầm rập xuống đường hòa nhập với nhân dân các xã Bình Phú, Bình Tú kéo về phủ lỵ Thăng Bình cùng nhân dân toàn phủ đấu tranh cướp chính quyền giành thắng lợi. Chính quyền cách mạng thuộc về tay nhân dân, Ủy ban kháng chiến được thành lập, các tổ chức xã hội cũng được thành lập và làm nòng cốt trong các phong trào, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xã Bình Chánh là vùng tự do, thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân và hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến, nhân dân Bình Chánh tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân vũ trang”, “Toàn dân bố phòng”, tham gia 2.000 ngày công đào 02 tuyến thông hào từ Châu Chánh đến An Bình dài 04 km và từ Châu Long đến rừng Họ dài 06 km, làm hàng ngàn cây chông, bẫy để bố phòng giữ vững vùng tự do. Tổ chức phá cầu, đường sắt lấy 250 đường ray và 130 thanh tà vẹt vận chuyển xuống xã Thăng An để bộ đội, du kích xây dựng tuyến phòng thủ chiến đấu sẵn sàng đánh địch đổ bộ bằng đường biển. Hưởng ứng thực hiện “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng”, nhân dân đã đóng góp được 12 chỉ vàng, 300 kg đồng; 300 tấn lương thực cho quỹ đảm phụ nuôi quân; mua 1.100.000 đồng công phiếu kháng chiến. Hội phụ nữ, hội mẹ chị chiến sĩ vận động chị em phụ nữ thực hiện tốt phong trào “mùa Đông chiến sĩ”, may và gửi tặng 300 chiếc áo cho bộ đội ở chiến trường. Toàn xã có 160 thanh niên gia nhập bộ đội chiến đấu, có 120 lượt dân quân, du kích tham gia phối hợp chiến đấu chống giặc Pháp ở chiến trường phía Bắc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; tổ chức 3.000 lượt người tham gia các đoàn dân công tiếp lương, tải đạn, khiêng thương ở các chiến trường Tây Nguyên, Hạ Lào và chiến trường phía Bắc tỉnh. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân xã Bình Chánh đã tiếp, bố trí, là chỗ dựa tin cậy của các cơ quan tỉnh, huyện và bộ đội, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân xã Bình Chánh đã tổ chức và phối hợp với các lực lượng vũ trang huyện, tỉnh, quân khu 5 đã đánh 1.120 trận lớn nhỏ, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 1.472 tên địch, bắt sống 217 tên, bắn rơi 06 máy bay, bắn cháy 31 xe tăng, xe bọc thép, thu 1.512 súng các loại. Vận động, giáo dục và tiễn đưa 5.171 người con quê hương thoát ly tham gia kháng chiến, chiến đấu chống Mỹ - ngụy trên khắp các chiến trường. Động viên, tổ chức trên 3.000 người tham gia du kích xã, thôn và cơ sở bí mật trong lòng địch; 7000 lượt người tham gia dân công hỏa tuyến; đào 02 địa đạo, 5.655 hầm bí mật và công sự kiên cố; cải tiến trên 7.000 quả bom, mìn các loại để đánh địch; xây dựng 03 căn cứ chiến đấu vững chắc. Trên mặt trận đấu tranh chính trị, binh địch vận, đã tổ chức trên 150 cuộc đấu tranh với kẻ thù, có 5.500 lượt người tham gia, vận động được 172 lính địch đào bỏ ngũ về với cách mạng và gia đình; nuôi dưỡng 80 thương binh ổn định sức khỏe trở lại đơn vị chiến đấu. Huy động 111 tấn thóc, 320 tấn lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến và hàng chục triệu đồng ủng hộ kháng chiến. Trong hàng trăm trận đánh lớn, nhỏ của lực lượng du kích xã, hoặc du kích xã phối hợp với bộ đội địa phương của tỉnh, của huyện và bộ đội chủ lực Quân khu 5 đã diễn ra trên địa bàn xã Bình Chánh. Tháng 9 năm 1963, lực lượng du kích phục kích đánh tiêu diệt 42 tên địch tại ấp An Lý, thu 36 súng các loại. Ngày 05.8.1964, du kích xã phối hợp với Tiểu đoàn 70 bộ đội tỉnh tấn công địch, tiêu diệt 01 đại đội Bảo an tại Ngũ Xã, bắt sống 21 tên, thu 115 súng các loại. Ngày 12.6.1966, du kích xã độc lập phục kích tại Đồng Muồn - An Hiệp diệt 8 tên ngụy, thu 4 khẩu súng. Tiếp đến ngày 26.3.1967, 01 tổ du kích xã chiến đấu chống 01 đại đội lính cộng hòa, tiêu diệt 7 tên, bẽ gãy các trận càn của chúng. Ngày 11.4.1967, du kích xã dùng mìn tự tạo bố trí tại suối Đá Giăng chặn đánh quân Mỹ từ Tuần Dưỡng càn quét lên, tiêu diệt được 22 tên, bắn cháy 3 xe tăng. Ngày 21.7.1967, du kích xã phối hợp với bộ đội huyện, tỉnh và bộ đội chủ lực quân khu V chặn đánh quân Mỹ tại Gò Nãy - An Bình, diệt 17 tên; bắn cháy 04 xe bọc thép, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng, góp phần bảo vệ vững chắc vùng giải phóng. Ngày 18.3.1968, lực lượng vũ trang xã đánh địch tại đồi Ông Bộ - Gia Hội, diệt 12 tên Mỹ, thu 3 khẩu súng. Ngày 16.7.1969, du kích xã bố trí trận địa mìn liên hoàn tại đồi Chiêu Liêu, diệt 11 tên Mỹ, làm cháy và hư hỏng 5 chiếc xe tăng. Trận đánh này được báo cáo điển hình tại Đại hội thi đua quyết thắng của các lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam năm 1969 và được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhì. Cùng với lực lượng vũ trang đánh địch, Đảng bộ và nhân dân xã Bình Chánh còn chú trọng tổ chức đấu tranh chính trị, thành lập đội quân tóc dài có trên 320 chị em. Bằng nhiều hình thức đấu tranh như: khiêng người chết, bị thương do bom, đạn Mỹ bắn lên đồn địch đấu tranh đòi bồi thường nhân mạng; đòi xác chồng, con, em tử trận; chặn không cho xe tăng của địch càn quét, phá hoại hoa màu của nhân dân. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, quân và dân xã Bình Chánh đã đóng góp công sức, xương máu lập nên những thành tích xuất sắc, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bình Chánh được tặng 20 Huân chương chiến thắng các hạng; 15 Huy chương kháng chiến các hạng. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đối với tập thể được tặng 01 Huân chương giải phóng hạng Nhì; 02 Huân chương chiến công hạng Ba; 02 Bằng khen của Tỉnh đội Quảng Nam; đối với cá nhân: 05 Huân chương chiến công hạng Nhất, 12 Huân chương chiến công hạng Nhì, 27 Huân chương chiến công hạng Ba, 219 Huân chương kháng chiến các hạng (Nhất: 50; Nhì: 75; Ba: 94); 168 Huy chương kháng chiến các hạng; 88 Bằng khen các cấp; hàng trăm Bảng vàng danh dự. Toàn xã có 665 liệt sĩ, 84 thương bệnh binh, 34 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện nay có 3 mẹ còn sống). Ghi nhận công lao, xương máu của quân và dân xã Bình Chánh đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; ngày 24 tháng 6 năm 2005, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Bình Chánh vì đã có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phát huy truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng mà Đảng bộ và nhân dân xã Bình Chánh giành được trong 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; từ sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30.4.1975), Đảng bộ và nhân dân xã Bình Chánh tập trung vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh, tháo gỡ 12.000 quả bom mìn các loại, khai hoang được 300 ha đất canh tác, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống tạo thế phát triển đi lên. Công tác cải tạo và xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp triển khai nhanh, đồng bộ, hợp tác xã đi vào hoạt động có hiệu quả, thật sự là chỗ dựa tin cậy của nhân dân; quan hệ sản xuất được xác lập, từng bước hoàn thiện; nhân dân đóng góp hàng chục ngàn ngày công để làm thủy lợi, đào đắp kênh mương, khai hoang, vỡ hóa, mở rộng diện tích. Đến năm 2004 có 91% hộ nhân dân có điện tiêu dùng sinh hoạt và phục vụ sản xuất; 95% hộ có phương tiện nghe nhìn, đi lại; 80% hộ có nhà kiên cố cấp 4 trở lên; mạng lưới trường học được xây dựng kiên cố, số trẻ em trong độ tuổi ra lớp 100%, chất lượng học sinh giỏi ngày càng tăng; huy động sức dân đóng góp trên 2 tỷ đồng/7,3 tỷ đồng để làm 9 cầu, 45 cống, 60 km đường bê tông (09 km đường liên xã, 11 km đường liên thôn, 40 km đường liên xóm); công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; công tác xóa đói, giảm nghèo có sự quan tâm đầu tư hiệu quả, năm 2004 tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 12,3%; thu nhập bình quân đầu người năm 2004 đạt 1.840.000 đồng/người/năm. Đời sống tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện; quốc phòng - an ninh luôn quan tâm chú trọng; lực lượng dân quân tự vệ đảm bảo quân số và đạt chất lượng; công tác hậu phương quân đội thường xuyên quan tâm thực hiện tốt; công tác an ninh giữ vững; tình hình trật tự an toàn xã hội đảm bảo; diện mạo của một xã nông thôn đang được đổi mới từng ngày. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, nhiều năm liền Đảng bộ Bình Chánh đạt danh hiệu “trong sạch vững mạnh”; chính quyền và các đoàn thể nhân dân được củng cố đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới. Với những thành tích đạt được từ sau ngày giải phóng (26.3.1975) đến năm 2004, Đảng bộ và nhân dân xã Bình Chánh được tặng thưởng 07 Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh;19 Giấy khen của Ủy ban nhân dân huyện. Về cá nhân có 13 Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh; 45 Giấy khen của Ủy ban nhân dân huyện. Đặc biệt, từ sau ngày được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2005), Đảng bộ và nhân dân xã Bình Chánh đã không ngừng phấn đấu vươn lên và lập được nhiều thành tích mới. Trên lĩnh vực kinh tế: Kinh tế vườn, kinh tế trang trại, trồng rừng phát triển mạnh làm thay đổi đời sống bà con nông dân. Xã đã tích cực sắp xếp lại sản xuất, thực hiện tốt chính sách giao đất, giao rừng. Triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng không ngừng được nâng lên. Năng suất lúa năm 1984 từ 15-20 tạ/ha đến nay đạt 60 tạ/ha. Xây dựng cánh đồng mẫu 54 ha tại cánh đồng Mùn. Bình quân lương thực đầu người năm 2014 đạt 1.480 kg/người/năm (tăng 1.280kg so với năm 1984). Nhiều mô hình phát triển kinh tế như: gia trại nuôi lợn, nuôi gà, nuôi bò…, mô hình làm nấm rơm, làm bún khô… Đến nay trên toàn xã có 45 gia trại nuôi lợn, 23 gia trại nuôi gà, 15 gia trại nuôi bò, 11 mô hình làm nấm rơm, 2 mô hình làm bún khô, hằng năm mỗi mô hình thu nhập hàng trăm triệu đồng. Bình quân thu nhập đầu người 21 triệu đồng/người/năm. Đời sống nhân dân được cải thiện: có 100% hộ dùng điện sinh hoạt và sản xuất; bê tông hóa 67 km giao thông nông thôn tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại lao động sản xuất, giao lưu trao đổi sản phẩm hàng hóa thuận lợi. Văn hóa xã hội được chăm lo: Sự nghiệp giáo dục được đầu tư và có nhiều chuyển biến tích cực, toàn xã có 1 trường THCS, 1 trường Tiểu học và 1 trường Mẫu giáo, trong đó Trường THCS Nguyễn Công Trứ đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, các trường Tiểu học và Mẫu giáo phấn đấu đạt chuẩn quốc gia vào năm 2015. Chất lượng giáo dục được nâng lên, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm phục vụ tốt hơn, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được củng cố và nhân rộng; hằng năm có từ 4 - 5 thôn đạt chuẩn thôn văn hóa; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục và thể thao tích cực phục vụ nhân dân thiết thực hơn; công tác chăm lo các đối tượng chính sách đảm bảo thực hiện chu đáo; toàn xã có hơn 40% số người trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề; công tác xóa đói giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 giảm còn 4,02%. Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay Bình Chánh đạt được 13/19 tiêu chí, phấn đấu trong năm 2015 đạt chuẩn xã nông thông thôn mới. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương; công tác đấu tranh phòng chống tội phạm được tăng cường, hằng năm thực hiện khám tuyển, đưa tiễn thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự đạt 100% chỉ tiêu giao; công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và huấn luyện được quan tâm; an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị ngày càng vững mạnh. Đảng bộ Bình Chánh hiện có 10 chi bộ với 122 đảng viên, chiếm tỷ lệ 2,6% dân số. 14 năm liền đạt danh hiệu Đảng bộ “trong sạch vững mạnh” (2000 - 2014), trong đó 6 năm liền (2008 - 2013) đạt danh hiệu Đảng bộ “trong sạch vững mạnh tiêu biểu” . Từ năm 2005 đến nay, xã Bình Chánh được tặng thưởng các danh hiệu thi đua như: 01 Huân chương Lao động hạng Nhì, 01 Huân chương lao động hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 04 Cờ thi đua xuất sắc của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam; 02 lần UBND tỉnh công nhận Tập thể lao động xuất sắc, 04 Bằng khen của UBND tỉnh vì đã lập thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước.