Dân ca bài chòi 21/09/2015 | 12:00 AM 9363 In Gửi Email Phóng to Thu nhỏ Tương phản Đọc bài viết . Dân ca bài chòi bắt nguồn từ một trò chơi dân gian gọi là đánh “bài tới”. Bộ bài này gồm hai nửa giống nhau, mỗi nửa có 30 quân bài được đặt tên là: Nhứt trò, Bánh hai, Nhì nghèo, Nhì bí, Bánh ba, Ba gà, Tam quăn, Tứ cẳng, Tứ gióng, Ngủ trưa (trợt), Năm rún, Sáu suốt, Sáu tiền, Lục rế, Bảy liễu, Bảy dày, Bảy sưa, Thất nhọn, Tám nứt, Tám tiền, Bát bồng, Chím rậm, Chín gối,Cửu chùa , Thái tử, Ông ầm, Đỏ mỏ, Nọc thượt, Dái voi, Bạch huê. Với không gian nhỏ trong nhà, cuộc chơi sẽ gồm 4 người chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm một nửa bộ bài, mỗi người 15 quân bài. Sau quân bài đầu tiên khai cuộc gọi là phi chường(trường), người chơi sẽ tìm quân bài cùng tên kẹp với một quân bài khác đánh ra. Cứ thế, ai đi quân bài cuối cùng trên tay mình trước tiên thì gọi là “tới”, tức thắng cuộc. Cũng với bộ bài này nhưng ở không gian rộng như sân trường, sân nhà thờ tộc họ, người ta tổ chức thành hội Bài chòi mà cách đây không lâu, mỗi dịp tết đến ở làng quê nào của Thăng Bình cũng có. Một nửa bộ bài được dán trên những thẻ tre và bỏ chung vào trong ống thẻ, treo phía sau lưng người hô bài gọi là anh hiệu, nửa còn lại dán trên 10 cây bài chia cho 10 người chơi, mỗi cây có 3 quân bài. Một hội bài chòi thường chơi trong 8 ván bài để cho nhà cái hưởng hoa hồng 2 ván, thực chất là dùng để bù vào chi phí tổ chức. Mỗi khi rút một quân bài phía sau lưng, anh hiệu liếc qua liền hô một đoạn thơ lục bát hoặc lục bát biến thể, thường gọi là câu thai, có ý nghĩa ẩn dụ chỉ định quân bài đó. Người chơi một tay cầm thẻ, một tay cầm que, hễ nghe thấy trong cây bài của mình có quân bài vừa hô thì cầm que gõ “cốc cốc” vào cái ống tre trước mặt. Người nhà cái sẽ cắm một cây cờ nhỏ vào ống cho người chơi. Người nào trong ống vửa đủ 3 cây cờ thì liền hô lên “Huợi huợi!” . Cả hội bài chòi đều “huợi” theo, trống chầu sẽ thúc nhịp ba liên hồi. Tiền thưởng mỗi ván bài sẽ được trịnh trọng đặt trên một chiếc đĩa mang đến tận nơi cho người thắng cuộc. Cứ thế, hội bài sẽ chơi ván tiếp theo. Tùy theo năng khiếu và chất giọng của anh hiệu, cách hô những câu thai có khi chỉ là đọc diễn ngâm nhưng đúng cách là phải hát lên theo những làn điệu cơ bản như Xuân nữ, Cổ bản, Xàng xê, Hò Quảng. Nội dung câu thai ứng với một quân bài mỗi nơi mỗi khác tùy theo ý tưởng của các nghệ nhân dân gian sáng tác ra chúng. Trong những hội bài chòi tự phát ở thôn xóm, câu thai thường ngắn gọn chi từ 2 đến 4 câu lục bát. Chẳng hạn những câu sau của ông Chín Ngự (Thủy Ngự, 85 tuổi, thôn Liễu Thạnh, Bình Nguyên): - Con rắn không chân đi năm rừng bảy rú Con gà không vú nuôi đặng chín mười con ( Con Ba gà) - Mùa xuân gió dịu mưa dầm Bí không đậy nụ để bầm cổ bông ( Con Nhì bí) - Sáng mai ra gặp đàn ông Bốn tao gióng đứt hết mà không đổ đồ (Con Tứ gióng) - Đến đây ăn gởi nằm nhờ Ơn ông chưa trả mà rờ con ông (Con Nọc Thượt) - Lâu ngày mới gặp anh đây Mời anh ăn miếng trầu này cùng em ( Con Đỏ mỏ) - Anh say chi say hủy say hoài Đã say quá chén còn nài uống thêm Say rồi con mắt lim dim Đường đi trơn trợt còn tìm thấy chi? ( Con Ngủ trợt) Còn trong những hội có quy mô lớn hơn do làng, xã đứng ra tổ chức, người ta chọn những câu thai dài hơi và có nội dung mang tính văn học thâm thúy hơn: - Lấy chồng từ thuở mười lăm Chồng chê em nhỏ đêm nằm làm thinh Bây giờ mười tám đẹp xinh Em ngủ dưới đất chồng rinh lên giường Một rằng thương, hai rằng thương, Ba bốn cũng rằng thương Huớ anh ơi, thương chi hung rứa! Bốn cái cẳng giường gãy một còn ba (Con Tứ cẳng) - Bớ anh huơi ! Một anh để em ra Hai anh cũng để em ra Để em về em buôn em bán Em trả nợ bánh tráng, em trả nợ bánh xèo Còn đồng nào em trả nợ thịt heo Chớ anh đừng cầm em lại mà mang nghèo vì em (Con Nhì nghèo) - Đầu năm khấn vái Tổ tiên Cầu cho gia đạo bình yên, thuận hòa Cầu cho sức khỏe mẹ cha Cầu cho thôn xóm, cửa nhà an vui” Cầu cho con cái nên người Cầu cho khoai, lúa tốt tươi bời bời Tân niên cầu một nụ cười Làm ăn song suốt bằng mười năm qua ( Con Sáu suốt) Thậm chí có những nghệ nhân sáng tác hẳn một tiểu phẩm đối đáp giữa các nhân vật: - Nữ: Sáng ra đi chợ tất niên Em đây cầm một quan tiền trong tay Sắm mua cũng đã đủ đầy Nào cau nào thuốc, trái cây thịt thà Độc bình mua để cắm hoa Hột dưa bánh mứt, rượu trà giấy bông Tính hoài mà cũng chẳng thông Chẵn ba trăm sáu chục đồng còn dư - Nam: Vội chi, em cứ thư thư Anh đây sẽ tính chừ chừ cho em Sáu mươi đồng, tính một tiền Mà ba trăm sáu chục đồng nguyên vẫn còn Vị chi em mới tiêu xong Cho hột dưa bánh mứt, giấy bông rượu trà Trái cây, cau thuốc, thịt thà Độc bình cộng với hương hoa là bốn tiền Mười tiền ăn một quan nguyên Một quan còn bốn tính liền khó chi? ( Con Sáu tiền) Từ chỗ chỉ là những câu thai trong trò chơi, một bộ phận trong các câu hát bài chòi đã thoát li khỏi những quân bài mà mở rộng ra những vấn đề xã hội. Một số cụ già ở Thăng Bình còn nhớ được một vài bài hát xưa với ngôn ngữ địa phương rất đặc trưng: - Vợ chồng Xã Bảy- mụ Đội Người hát: Ông Lê Đình Ba Xã Bảy: Dù cho sả ướp hương xông Có thơm cho mấy cũng lấy lộc chồng mà thơm Mụ bỏ qua ngày quảy ngày đơm Con cá không đánh vảy, con tơm không lột đầu Mụ không lo gánh nước tưới trầu Hành hẹ mụ bỏ héo, dây bầu mụ bỏ khô Ngày hai ba buổi chợ mụ đi mô? Để gà bươi trong bếp, con thò lò mũi xanh, Qua nghe xưa rày thiên hạ nói tỏi nói hành Rằng mụ vợ ông xã Bảy như con tinh trên đầu đèo Hèn chi qua nghe hàng xóm đồn reo Rằng mụ mà lăn ra chết thì qua mần heo ăn mừng Mụ sống chi đây xấu hổ qua chừng Chừ ngẫm lại lúc trước qua ưng làm gì Phen này ta quyết để mụ đi Bay đâu mực giấy lấy thì cho tau. Mụ Đội: Ông xã- ông muốn để tui ông phải đi mời Có người đứng chứng tui thời mới nghe Những là vò ảng chum ghè Những âu những sạp ngoài hè ông cũng phải chia Trên giàn còn thúng mủng nong nia Còn hai con heo nái, gà giò kia một bầy Ở nhà dưới còn cái cối xay Ông thớt trên tui thớt dưới cũng chia ngay cho đồng phần Nói rứa chớ tui đây có lấy cũng không cần Thà tui về xứ tui làm ăn cấy cày Ở với ông tui xấu hổ quá tay Mai ông hành mốt ông hẹ cả ngày lẫn đêm Tui đây như thể con chim Lẻ đôi lẻ cánh tôi đi tìm cội cây. - Đối đáp Mẹ- Con – Dâu Người hát: Cụ Tám Bông Nàng dâu: Làm thân gái nghĩ đà oan ức Lấy chồng chi để cực bấy lâu Lớn lên đôi tám tuổi đầu Lìa cha bỏ mẹ làm dâu nhà người Nói ra sợ chị em cười Chẳng thà ở đợ còn hơn mười làm dâu Sớm chiều quần quật như trâu Nghe mắng nghe chửi nghẹn ngào bữa ăn Mẹ chồng: Con tê mi ngồi đó mà cằn nhằn Cơm tau đâu dễ có ăn mi mừng Mi ơi mi dở vô chừng Trăm ban vạn sự mi vá miếng quần cũng không nên Mi giả đò đau bụng mi trùm mền Cơm tau mi cứ ních vô Chẳng thà tau đổ cho chó ăn no giữ nhà. Con trai: Mẹ ơi mẹ đừng nói ác người ta Vợ tôi ăn bánh ăn quà nào đâu Anh em tôi ở góa trọc đầu Làm ra để ruộng để trâu làm gì? Mẹ chừ rày chiết mai chì Biết đừng lấy vợ làm chi cho lụy phiền Mẹ chồng: Thằng kia mi đừng nghe lời con vợ nói khùng nói điên Công tau đặt gánh đặt khiêng Trầu têm cau bửa kim tiền cũng tự tau Cưới con vợ mi về để hắn làm dâu Thân tau đâu phải con hầu vợ mi? Trong hai cuộc chiến tranh, rất nhiều vấn đề thời sự đã được dân gian kể lại bằng những bài văn vần rồi hát lên theo các làn điệu dân ca bài chòi: - Bài ca Cướp chính quyền Người h&