Hà Đình Nguyễn Thuật : Tấm gương tham chiếu thời đại

Hội thảo khoa học “Hà Đình Nguyễn Thuật - Danh nhân văn hóa” do Sở VH-TT&DL phối hợp với UBND huyện Thăng Bình tổ chức mới đây đã làm rõ thêm các di sản văn hóa đồ sộ của danh nhân, qua đó đề xuất việc bảo lưu cũng như vận dụng các giá trị trong đời sống hiện đại.

     Mẫu mực cho vạn thế
     Hà Đình Nguyễn Thuật là vị quan lớn, kinh qua nhiều vị trí trọng yếu của triều Nguyễn. Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã làm rõ bản lĩnh chính trị của người được vua truy tặng “Đặc tiến Vinh lộc Đại phu Đông Các Đại học sĩ”. PGS-TS. Phạm Quốc Sử (Khoa Lịch sử, Đại học Thủ đô Hà Nội) cho rằng, điều đáng nói ở Nguyễn Thuật là phẩm hạnh, bản lĩnh, cốt cách, đặc biệt là sự tiết tháo. Điều đó đã được luận chứng qua các sử liệu. Cụ thể, vua Tự Đức nhận xét: “Nguyễn Thuật là người trẻ tuổi tân tiến, hiếu học, thông minh dĩnh ngộ, biết lẽ phải, không a dua theo kẻ khác”. Vua Thành Thái thì đánh giá: “Nguyễn Thuật là người có khí tượng cao khiết, học thức uyên bác, từng đem ơn ích cao thượng cho kẻ khốn cùng. Ông là người xứng đáng làm mẫu mực cho vạn thế”. Theo PGS-TS. Phạm Quốc Sử, khí phách cứng cỏi, sự tiết tháo của Nguyễn Thuật  biểu hiện rõ nhất ở chỗ ông đã bênh vực các nhà yêu nước, phản đối hành vi của quan Cần chánh Nguyễn Thân (1840 -1914), tố cáo trực tiếp khi Pháp giết nhiều người tham gia khởi nghĩa Hương Khê (Hà Tĩnh) do Phan Đình Phùng lãnh đạo. Nguyễn Thuật đã từ quan năm 1901 để phản đối Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải - những kẻ tay sai đắc lực của thực dân Pháp trong triều Nguyễn. “Có thể khẳng định sự tiết tháo của Nguyễn Thuật không chỉ là biểu hiện của tính cương trực, trọng danh dự mà lớn hơn là không chịu sống chung với những kẻ tay sai đớn hèn. Cách hành xử không khoan nhượng của ông trong một xã hội bị suy vong là một bài học lớn cho hiện tại và mai sau” - ông Phạm Quốc Sử nói.
     Quốc Sử quán triều Nguyễn đã tư liệu hóa cuộc đời và sự nghiệp của Hà Đình Nguyễn Thuật khi ông tham chính qua 8 đời vua, từ Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh đến Thành Thái, Duy Tân. Nghiên cứu nhiều tư liệu lịch sử, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi (Viện Sử học quốc gia) nêu rõ: “Nguyễn Thuật là một vị quan tài năng, đức độ. Ông đã có nhiều đóng góp cho quê hương Quảng Nam sắp xếp lại các đơn vị hành chính, cứu tế, cứu đói, miễn thuế khi quê hương thất thu mùa màng, khơi đào những con sông”. ThS. Phùng Tấn Đông (Hội Văn học - nghệ thuật Quảng Nam) tham luận: “Hà Đình Nguyễn Thuật là người nặng lòng với nước, với dân. Khi Nghĩa Hội Quảng Nam thất bại, nhiều người bị bắt thì ông đã tư viện cơ mật xin cho những giáo chức, lại dịch, dân binh, già yếu được chuộc. Ông cũng xin triều đình miễn thuế cho nhân dân các tỉnh Quảng Nam, Thanh Hóa khi hoạn nạn”.