Nhân cách và tinh thần dân tộc của Hà Đình

.

     1. Một lần, đầu thập niên 80, tôi theo chân kỹ sư thủy lợi Nguyễn Tường Mạnh đến Ban Chỉ huy Tổng B Phú Ninh. Anh thì đi làm việc, còn tôi thì chờ anh xong việc cùng đi câu quăng (câu rê, câu ống) kiếm mấy con các tràu về nấu ám nhằm hưởng chút hương vị quê nhà. Ngày đó, Ban Chỉ huy Tổng B Phú Ninh đóng ở bàu Hà Lam. Ở bàu này có cây cầu xây bằng gạch thẻ đã phủ màu thời gian khá đẹp. Bên này bàu có khoảng chục cây lộc vừng cổ thụ soi bóng xuống mặt nước. Gốc cây lộc vùng nào cũng sần sùi và to cỡ thân người. Ở đó cũng có tấm bia đá lớn viết hai chữ Hán “HÀ KIỀU” rất đẹp. Anh Nguyễn Tường Mạnh đọc được hai chữ này. Tôi nói: “Tiểu xuyên viết giang, đại xuyên viết hà, nhưng chữ “hà” này có bộ thảo là sao?”. Thú thật, ngày đó mớ kiến thức vụn của tôi là do đi nói dóc nhiều mà học lóm chứ chẳng bài bản chi. Lúc ấy, có bác nông dân vác cuốc đi ngang qua, nghe tôi nói vậy, liền dừng lại cho biết chữ “hà” có bộ thảo là cây sen. Bàu này vốn trồng sen. Cũng theo dân gian truyền đời, khi bàu này trổ sen trắng thì địa phương có người xuất quan. Ông rất thú vị vì tuổi trẻ như chúng tôi mà đọc được hai chữ “HÀ KIỀU” trên bia đá như rứa không nhiều. Ông cũng cho biết hai chữ ấy là do chính tay cụ Thượng Hà Đình viết. Bia đá do cụ dựng, cây cầu do cụ xây. Bên kia bàu, cụ có dựng căn nhà để tiếp khách văn chương… Bây giờ, mọi chuyện đã qua…