Thăng Bình - Đông Sơn: Duyên tiền định 11/03/2015 | 12:00 AM 9691 In Gửi Email Phóng to Thu nhỏ Tương phản Đọc bài viết . Trên Nam Phong - văn học khoa học tạp chí, số 153, tháng 4 năm 1930, tác giả Phục Ba viết trong bài Đông Sơn hoài cổ, có đoạn: “… Đông Sơn là huyện nhiều danh thắng ở đất Thanh Hóa vậy, núi Bàn A ở phía Bắc thuộc xã Đại Khánh, cao mười hai trượng, chu vi ước hai trăm trượng, thế núi quanh co, kề bãi sông Lương, nước sông Mã đến đây cũng hợp một phái …”. Huyện Đông Sơn là huyện đồng bằng, nằm trong lưu vực của sông Mã. Hình ảnh cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã là một hình ảnh bất diệt về tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Đông Sơn là vùng đất cổ, nơi quần cư của người Việt cổ. Đây là một địa chỉ khảo cổ nổi tiếng nhất ở Việt Nam, nơi phát hiện ra nền văn hóa Đông Sơn của người Lạc Việt, là địa điểm tìm thấy số lượng trống đồng nhiều nhất Việt Nam nên các trống đồng được tìm thấy ở đây được gọi là Trống đồng Đông Sơn. Trống đồng Đông Sơn cũng là di sản rất đặc biệt của vùng đất giàu văn hóa truyền thống, là báu vật của tổ tiên người Thanh Hóa để lại. Bên cạnh đó chúng ta không thể không biết về Bia Thành sự bi ký khắc niên hiệu Cảnh Thịnh (1795) thời Tây Sơn ở vách đá cạnh đền Thánh Cả làng Đông Sơn. Trong quá trình khảo cổ, người ta còn phát hiện Mũi tên đồng Đông Sơn, một trong nhiều loại vũ khí độc đáo thời kỳ cuối Hùng Vương v.v ..Thời kỳ bắc thuộc: thời Tam Quốc - Lưỡng Tấn. Đông Sơn là miền đất thuộc huyện Tư Phố và một phần ở phía nam thuộc huyện Cư Phong. Thời Tùy - Ðường thuộc huyện Cửu Chân. Theo sách "Di Biên" của Cao Biền, thời bấy giờ vùng đất này được gọi là huyện Ðông Dương, sau đổi thành Ðông Cương. Thời Ðinh, Tiền Lê, Lý giữ nguyên như thời Tùy - Ðường. Thời Trần đặt tên là huyện Ðông Sơn thuộc trấn Thanh Ðô, tên gọi huyện Ðông Sơn có từ đây. Theo sử sách để lại có rất nhiều sắc phong của các đời vua ban cho làng Đông Sơn như: Thành Thái năm thứ 17 (1905) thời Nguyễn; Duy Tân thứ 3 (1909) thời Nguyễn; Thiệu Trị thứ 6 (năm 1846), nhà Nguyễn; Tự Đức thứ 3 (1850), nhà Nguyễn; … Ngoài ra còn có đạo sắc phong cho ông Trịnh Thế Lợi. Ông là Thành hoàng làng Đông Sơn, không rõ quê quán ở đâu. Ông sinh khoảng 1705, mất 1780, thọ 75 tuổi. Ông làm quan triều Lê Trung Hưng được giữ chức Cẩm Hoa Thị Vệ triều Lê, sau này mất được triều đình phong bao Đực bảo Trung hung Linh phù. Trước giai đoạn ông chưa về làng, vào năm 1740 làng Đông Sơn còn mang tên Đông Cương thượng và Đông Cương hạ. Khi về ông đã sát nhập hai làng thành làng Đông Sơn thuộc xã Đông Sơn huyện Đông Sơn. Có đạo sắc phong cho chàng Ất đại vương (Tham xung tá quốc). Đây là nhân vật được kể lại rằng sau khi chống lại quân nhà Đường được vài năm thì cha con ông bị tiêu diệt. Vì vậy các sắc phong vua ban đều có chung ý lớn là các ông này có công giúp nước che chở cho dân, nỗi niềm nghiệm thấy linh thiêng ứng nghiệm nên vua nhớ về công lao của các thần trước đây mà cho Đông Sơn phụng thờ …. Lê Trắc, Nguyễn Như Soạn, Nguyễn Mộng Tuân, Thiều Quy Linh, Nguyễn Khải, Lê Khả Phiêu, Triệu Bôn, … là những danh nhân của Đông Sơn qua các triều đại. Anh Trần Văn Thức, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thăng Bình bảo rằng, Thăng Bình của chúng tôi thật may mắn khi được kết nghĩa với huyện Đông Sơn, một địa phương có bề dày lịch sử văn hiến, văn hóa, truyền thống, đấu tranh cách mạng. Cái duyên này hiếm có. Người dân Thăng Bình quý trọng nghĩa tình này như là bảo vật và tự hào khi nói đến Đông Sơn. Anh Hồng Quốc Cường, phó bí thư thường trực Huyện ủy Thăng Bình rất vui khi được nhiều lần có mặt trong đoàn đại biểu của Thăng Bình ra thăm Đông Sơn. Anh hạnh phúc thật sự khi đến thăm nhà mẹ Cơi, người mẹ đã từng chăm sóc, nuôi dưỡng thương binh Lê Văn Thi quê Bình Trung, nguyên chủ tịch Hội đồng hương Thăng Bình ở xã Đông Minh huyện Đông Sơn, đã qua đời, thăm quê hương của nguyên tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Mỗi chuyến đi như vậy Thăng Bình – Đông Sơn đều để lại nhiều việc làm ý nghĩa như trao tặng nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đóng góp xây dựng quỹ tình nghĩa, ... Hiện tại Thăng Bình đã và đang chuẩn bị chương trình, kế hoạch cho hoạt động kỷ niệm 55 năm Đông Sơn - Thăng Bình kết nghĩa. Ngày ấy chắc là vui hơn khi có mặt của đoàn đại biểu của tỉnh Thanh Hóa và huyện Đông Sơn. Ảnh: Quang cảnh lễ kết nghĩa Đông Sơn - Thăng Bình Thăng Bình là cửa ngõ phía Bắc của Thủ phủ Quảng Nam, là miền đất của các tỉnh Nam - Trung Trung Việt, là điểm xuất phát của đoàn quân đi Nam...Từ đầu thế kỷ XV, năm 1430, triều đại nhà Hồ sau khi thương thảo với triều đại Chiêm Thành giao nhượng hai động: Chiêm động Bắc Quảng Nam và Cổ Lũy động. Từ đó nhà Hồ chia Chiêm động và Cổ Lũy động thành 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa rồi đặt lộ Thăng Hoa thống lãnh 4 châu. Châu Thăng được chia thành 3 huyện: Lệ Giang, Đông Hà và An Bị. Năm 1471 vua Lê Thánh Tông - Hồng Đức năm thứ 2 đã tổ chức cải cách hành chánh tại các châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa và thành lập Đạo Thừa tuyên Quảng Nam gồm vùng đất từ Nam sông Thu Bồn đến Đèo Cả và chia làm 3 Phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn. Mỗi Phủ chia làm 3 huyện. Phủ Thăng Hoa có 3 huyện: Lệ Giang, Hà Đông, Hy Giang. Danh xưng Quảng Nam bắt đầu từ đó trong lịch sử mở nước của dân tộc ta. Nói đến Thăng Bình là nói đến Lễ hội Rước Cộ Bà Chợ Được, nét văn hóa đặc trưng mang đậm yếu tố tâm linh, tín ngưỡng của người dân xứ Quảng. Lễ hội diễn ra vào 2 ngày mồng 10 và 11 tháng giêng âm lịch hằng năm tại Lăng Bà, thôn Phước Ấm - Chợ Được - xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Thăng Bình cũng là vùng đất mang nhiều dấu ấn của thời cuộc, nhiều danh nhân chí sĩ làm rạng danh cho quê hương Thăng Bình như Tiểu La - Nguyễn Thành, Nguyễn Thuật, Nguyễn Uýnh, Lê Cơ … Những tên làng tên đất như Hà Lam, Chợ Được, Bàu Bàng, Quán Gò, Cây Cốc, Kế Xuyên, La Nga - Cao Ngạn, Vinh Huy, Đồng Dương,… như máu như thịt của người Thăng Bình, đã in sâu vào tiềm thức của bao thế hệ. Bất chấp sự tàn bạo của bọn Mỹ - Ngụy, nhân dân Thăng Bình đã anh dũng chiến đấu, đập tan các cuộc càn quét, tiến công tiêu diệt địch giải phóng quê hương ngày 26-3-1975, góp phần cùng cả nước giành thắng lợi vào mùa xuân 1975 mà cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được là dấu ấn lịch sử khó quên. Những người con của Thăng Bình trưởng thành từ trong kháng chiến và hòa bình làm rạng danh đất mẹ Thăng Bình như nhà văn Nguyên Ngọc – tác giả của “Đất nước đứng lên”, "Đường chúng ta đi", nhà văn Vũ Hạnh - tác giả của "Bút máu", nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - tác giả của hàng trăm cuốn sách dịch ra nhiều thứ tiếng, nhà thơ Phan Trước Viên với những bài thơ viết trong tù đã và đang được các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học đặc biệt quan tâm, nhạc sĩ Hoàng Bích với nhiều ca khúc đi cùng năm tháng, nhạc sĩ Phan Văn Minh - tác giả ca khúc "Cả nhà thương nhau" mà người Việt Nam trong nước và ngoài nước đều biết, nhà báo Nguyễn Công Khế - nguyên Tổng biên tập báo Thanh niên - một tờ báo lớn của Việt Nam, nhà văn Bùi Tự Lực với những tác phẩm về chiến tranh từng đoạt giải thưởng cao của Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà thơ Thái Miên (Trần Thừa Thiện), Phan Chí Thanh... đã góp phần xứng đáng vào truyền thống văn học Đất Quảng, được cả nước mến mộ... Sự tương đồng, tương thích về lịch sử, về kinh tế - chính trị - xã hội, lớn lao hơn là cái nghĩa đồng chí, cái tình đồng bào làm chất xúc tác để cái duyên tiền định Thăng Bình - Đông Sơn bén rể. Ngày 12 tháng 3 năm 1960, ngay sau khi 2 tỉnh Thanh Hóa và Quảng Nam tổ chức trọng thể lễ kết nghĩa tại thị xã Thanh Hóa, lễ kết nghĩa giữa 2 huyện Đông Sơn – Thanh Hóa và Thăng Bình - Quảng Nam tiếp tục diễn ra. Người dân Đông Sơn – Thăng Bình trở thành láng giềng của nhau, kề vai nhau, đồng cam cộng khổ chiến đấu đến cùng để giành lấy độc lập tự do cho Tổ quốc. Những dòng tin trên báo, đài; trong đó có báo chí của Thanh Hóa và Quảng Nam đã đem đến cho nhân dân cả nước niềm vui mới, sức mạnh mới. Ngày 15/2/1965, bọn Mỹ - Khánh đàn áp dã man cuộc biểu tình đòi tự do của đồng báo Thăng Bình - Quảng Nam, giết 40 người, làm bị thương nhiều người khác. Lập tức báo Thanh Hóa đổi mới số 306 ngày 26/2/1965 đưa tin về Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh Thanh Hóa ra tuyên bố ngày 22/2/1965 kịch liệt lên án Mỹ và tay sai tàn sát dã man đồng bào huyện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam. Báo Thanh hóa đổi mới số 808, ra ngày 30/01/1970 tiếp tục phản ánh về sự kiện tối ngày 24/01/1970 Ủy ban MTTQVN tỉnh Thanh Hóa đã họp với các đại biểu chính đảng, đoàn thể, các cơ quan và các ngành trong tỉnh để tố cáo tội ác của giặc Mỹ và tay sai giết hại hơn 700 đồng bào Thăng Bình, Quế Sơn – Quảng Nam, … Để trả thù cho đồng bào Thăng Bình, Quế Sơn; nông dân Thanh Hóa dồn sức cấy trồng hết diện tích lúa Đông Xuân, hưởng ứng chiến dịch Đông Xuân - Điện Biên - Thanh Hóa-Quảng Nam quyết thắng. Cựu chiến binh, thanh niên, phụ nữ, … Đông Sơn tham gia nhiều hoạt động vì nghĩa tình Đông Sơn – Thăng Bình. Năm 1971, thực hiện Chỉ thi của Tỉnh ủy và Kế hoạch của Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa, nhân dân 2 thôn Vân Đô và Tuân Hóa xã Đông Minh – Đông Sơn đã đón tiếp 117 thương binh quê Quảng Nam về an dưỡng, học văn hóa, học nghề lái xe tại địa phương. Huyện giao cho Hội Phụ nữ và Hội Mẹ chiến sĩ tổ chức đón tiếp và chăm sóc nuôi dưỡng tại gia đình. Các mẹ các chị vận động các đoàn thể quần chúng đóng góp công nuôi dưỡng thương binh, bố trí đất làm nhà, tổ chức cưới vợ ổn định cuộc sống. Trong số này có cặp đôi Đỗ Minh Sen - Nguyễn Thọ Bảo. Hiện tại vợ chồng anh chị sinh sống ở Đà Nẵng. Nhiều anh em thương binh xứ Quảng, trong đó có Thăng Bình bén duyên với nhiều cô gái Đông Sơn và chọn Đông Sơn làm quê hương thứ hai của mình. Từ những tổ ấm hạnh phúc này đã làm nên những dòng tộc nội ngoại Quảng Nam – Thanh Hóa, Thăng Bình – Đông Sơn. Những ngày cuối năm Giáp Ngọ 2014 trong cuộc hành trình đi tìm quá khứ sau 55 năm Thăng Bình – Đông Sơn kết nghĩa 12/3/1960 – 12/32015, tôi may mắn gặp lại những người con Thăng Bình còn sống, đã từng được chăm sóc nuôi dưỡng trong vòng tay yêu thương của các mẹ Đông Sơn. Anh Nguyễn Ngọc Sáu sinh năm 1950 quê Bình Triều, hiện ở tại thị trấn Hà Lam, thương binh 2/4, nguyên trưởng công an thị trấn Hà Lam, là người được mẹ Xén – Đông Sơn nuôi dưỡng. Năm 1969 anh là chiến sĩ của lực lượng vũ trang xã Bình Triều. Trong một trận đánh, anh bị thương và kịp có mặt trong đoàn con em thương binh Quảng Nam ra Đông Sơn - Thanh Hóa để điều dưỡng. Anh kể rằng gia đình mẹ Xén nghèo lắm. Nhà mẹ làm bằng tranh. Mái tranh cũ kỷ, lâu ngày hư hỏng, mưa thốt (mưa dột). Những lúc như thế mẹ nhường chỗ khô ráo cho anh nằm. Ở với mẹ, anh được mẹ bày nhiều phương ngữ xứ Thanh như chữ thốt tức là dột, chữ trốc cún là đầu gối, hai canh tức là vai, cấu nghĩa là gạo, … Anh là một trong hơn 20 con em quê Thăng Bình học tại trường bổ túc văn hóa thương binh Đông Sơn đóng tại xã Đông Minh. Kỷ niệm sâu sắc đối với anh là thời điểm cầu Hàm Rồng bị máy bay Mỹ đánh phá, con em Thăng Bình xung phong ra trận góp sức với Thanh Hóa, với Đông Sơn để giữ lấy Hàm Rồng. Nguyện vọng chính đáng của con em Thăng Bình được hoan nghênh nhưng vì sức khỏe không cho phép nên các anh bị từ chối. Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa, Đông Sơn ghi nhận nghĩa cử này như một lời biết ơn. Từ ngày trở lại quê hương Thăng Bình đến nay mặc dù chưa có điều kiện ra lại Đông Sơn, nhưng trong lòng anh không thể nào quên Đông Sơn. Kể cho tôi nghe về những tháng ngày anh và đồng đội được các mẹ Đông Sơn bảo bọc mà anh thấy Đông Sơn như đang ở bên mình. Anh Nguyễn Ngọc Sáu mời tôi cùng anh đi tìm những người bạn cùng thời ở Đông Sơn và tôi đã gặp anh Ngô Đức Tấn, nhà ở cuối con đường gần Chợ Được. Thời trai trẻ anh từng chiến đấu ở chiến trường Dak Lak, từng công tác tại Công an huyện Thăng Bình. Anh Tấn cho tôi xem bức ảnh anh chụp thời thanh xuân của mình, năm anh 24 tuổi – năm 1970, tại một tiệm chụp ảnh bên Hồ Hoàn Kiếm – Hà Nội trong chuyến nghỉ hè từ Đông Sơn ra chơi Hà Nội. Anh Sáu có nguyện vọng là sắp đến sẽ cố gắng tìm cho ra hết bạn bè từng ở Đông Sơn để gặp mặt, qua đó sẽ làm một việc gì đó ý nghĩa và anh đã cầm bút ghi theo trí nhớ của mình: xã Bình Đào có Nguyễn Phước Lẫm, Trần Xuân Bách, Đỗ Minh Sen, Trần Văn Lắm, Lê Đức Bình, Thuận (không nhớ họ); xã Bình Triều có Nguyễn Ngọc Sáu, Ngô Đức Tấn, Vương Củ; xã Bình Giang có Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Đình Thọ (đã qua đời); Trần Quang Vinh, Nguyễn Ngọc Thanh; xã Bình Hải có Đinh Văn Sơn (đã qua đời); xã Bình Trung có Lê Văn Thi (nguyên chủ tịch Hội đồng hương Thăng Bình ở Đông Minh – Đông Sơn, đã qua đời); xã Bình Phú có Trương Công Phấn, Nguyễn Văn Dự; xã Bình Dương có Trần Văn Hòa, Lê Thanh Tùng, Nguyễn Tôn; xã Bình Quý có Lê Văn Tài, … Anh Nguyễn Ngọc Sáu gặp lại đồng đội Ngô Đức Tấn. Ảnh: H.T.P 15 năm chia lửa diệt thù, Thanh Hóa – Quảng Nam như con một cha, như nhà một nóc, là chiến sĩ cùng chiến đấu dưới một màu cờ, dưới một chiến hào, vì mục tiêu chung là giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, huyện Đông Sơn-Thanh Hóa và huyện Thăng Bình - Quảng Nam cùng chung một nỗi niềm khát khao như vậy. Hàng nghìn con em Đông Sơn lên đường vào Nam chiến đấu trên chiến trường Thăng Bình. Họ đã góp phần làm sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong cuộc chiến đấu ấy, quân và dân huyện Thăng Bình đã có nhiều nghĩa cử cao đẹp, nhận sự hy sinh về mình vì con em Thanh Hóa. Đó là câu chuyện về em Phan Đức Tám, xã Bình Dương dũng cảm chịu đựng sự tra tấn của kẻ thù để bảo vệ đồng chí Trịnh Đăng Bưởi và các đồng chí khác. 40 năm xây dựng trưởng thành, Thanh Hóa – Quảng Nam đồng hành, chia sẻ gian khó, Đông Sơn giúp Thăng Bình, xây dựng điểm hợp tác xã nông nghiệp Bình Lãnh, làm tiền đề cho phát triển HTXNN sau này của Thăng Bình, đồng chí Thiều Sĩ Quý quê Tĩnh Gia-Thanh Hóa là người có công đầu. Cho đến bây giờ cái tên Xí nghiệp gốm Quảng-Thanh trên đất Thăng Bình vẫn còn như một lời nhắc nhớ về sự tận tình giúp đỡ của tỉnh Thanh Hóa và huyện Đông Sơn. Trong nhiều câu chuyện đem cái chữ đến với con em Thăng Bình, không thể nào quên thầy giáo Trịnh Mai Sơn. Thầy đã để lại mấy vần thơ: “ Hai quê trong trái tim tôi Hai đầu nỗi nhớ khôn nguôi trong lòng Ở Đông Sơn nhớ Thăng Bình Về Quảng Nam nhớ dáng hình tỉnh Thanh Bao năm chung khúc quân hành Giặc tan náo nức hòa bình dựng xây Nước non đổi mới từng ngày Nghĩa tình thêm đậm, thêm dày lòng ta.” Hơn nửa thế kỷ kết nghĩa Đông Sơn - Thăng Bình là một quãng thời gian đủ để hai miền đất từng thấm đẫm khổ đau nâng niu hạnh phúc. Những người gieo hạt hôm qua đã và đang kỳ vọng cho nhiều mùa vàng mai sau. Ghi chép của Huỳnh Trương Phát (Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Nam)