Lễ hội rước Cộ Bà Chợ Được 27/02/2015 | 12:00 AM 11005 In Gửi Email Phóng to Thu nhỏ Tương phản Đọc bài viết . “Hằng năm mười một tháng Giêng Chưng cộ, hát bộ, đua thuyền tri ân”… Lễ rước Cộ Bà Chợ Được là lễ hội của người dân xã Bình Triều cũng như các xã vùng Đông huyện Thăng Bình. Hằng năm, cứ vào mồng 10 và 11 tháng Giêng âm lịch, người dân khắp nơi lại tụ hội về làng Phước Ấm (xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) để xem lễ hội Bà Chợ Được. Đây là lễ hội dân gian ghi dấu đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân xã Bình Triều cũng như các xã vùng đông huyện Thăng Bình nói riêng và người dân Quảng Nam nói chung. Lễ hội phản ánh tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp vùng biển Quảng Nam, gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, đồng thời thể hiện lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân và những mong ước bình dị về cuộc sống an lành, no đủ của người dân. Vài nét về Lăng Bà Chợ Được Lăng Bà Chợ Được được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là di tích Lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2008, tọa lạc ở thôn Phước Ấm, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, cách thị trấn Hà Lam khoảng 5km về phía đông. Đây là nơi thờ một vị nữ thần có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Bình Triều. Theo Truyện Thần Nữ Linh Ứng (viết bằng chữ Hán) hiện đang lưu giữ tại lăng Bà Chợ Được thì Bà họ Nguyễn, tên Của, sinh ngày 25/02 năm Canh Thân (1800) tại phiếm Ái Châu, làng Phường Chào, tổng Mỹ Hòa, huyện Diên Phước (nay là xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Bà mất ngày 19/11 năm Đinh Sửu (1817) và được dân làng lập đền thờ tại quê nhà. Năm Nhâm Tý (1852), Bà hiển linh tại làng Phước Ấm, hóa thành một thiếu nữ xinh đẹp đổi nước, bán trầu, bốc thuốc chữa bệnh, cứu nhân độ thế, biến hóa thần thông trị tội tham quan. Và cũng chính Bà đã linh ứng tạo dựng bãi cát hoang vắng này thành ngôi chợ, để rồi người qua người lại nơi đây ngày càng đông. Để tri ân công đức của Bà, người dân làng Phước Ấm lập miếu thờ, ngày đêm hương khói và đệ đơn lên triều đình xin sắc phong. Năm Mậu Tuất (1898), Triều đình Huế ban sắc phong Bà là “Tề Thục Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần”. Năm 1924, Vua Khải Định lệnh tặng cho Bà là “Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”. Năm Đinh Mẹo (1927), vua Bảo Đại gia tặng Bà là “Tề Thục Dực Bảo Trang Huy Thượng Đẳng Thần”. Người dân Bình Triều đón nhận sắc phong vào ngày 11/01 âm lịch, nên nay thành lệ hằng năm cứ vào mồng 10 và 11 tháng Giêng âm lịch tại đây diễn ra Lễ hội rước Cộ Bà. Ngày nay, lăng Bà Chợ Được tọa lạc trên một bãi đất rộng và thoáng mát ở xóm Chợ (tổ 16, thôn Phước Ấm, xã Bình Triều). Lần tu bổ lăng gần đây nhất là vào tháng 10 năm 1968, nhân dân trong làng với tấm lòng thành kính đã đóng góp kinh phí xây lại lăng Bà ba gian với tường gạch, mái ngói và vẫn còn được giữ gìn nguyên vẹn cho đến nay. Lăng Bà có diện tích 144 mét vuông, làm theo lối kiến trúc của đình làng ngày xưa với góc mái cong. Các đầu đao của bộ mái được trang trí hình con phượng - một trong “tứ linh”; hai đầu bờ nóc được đắp vênh lên như mũi thuyền. Chính giữa mái lăng là đồ án “lưỡng long triều nguyệt” rất sinh động. Lễ hội rước Cộ Bà Chợ Được Lễ hội rước Cộ Bà Chợ Được đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản phi vật thể quốc gia năm 2014. Cũng như nhiều lễ hội dân gian khác, lễ hội rước Cộ Bà Chợ Được bao gồm phần lễ (lễ rước sắc, lễ cúng đất, lễ cúng Bà) và phần hội (hội đua thuyền, hát bội, rước Cộ…), trong đó, phần hội rước Cộ là điểm nhấn quan trọng, tạo nên đặc sắc riêng của lễ hội rước Cộ Bà. Lễ hội Bà Chợ Được chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống mang đậm dấu ấn bản sắc Việt, thể hiện tín ngưỡng thờ Mẫu của người dân Việt Nam ta bao đời nay được bà con nhân dân làng Chợ Được, xã Bình Triều tổ chức hàng năm vào những ngày đầu Xuân. Lễ hội là điểm tựa tâm linh vững chắc trong tâm thức của người dân huyện Thăng Bình nói riêng, khách thập phương nói chung. Trong hương trầm tỏa ngát hòa quyện với tiếng trống chiêng dập dồn, những nghi thức tế lễ, tâm hồn con người trở nên hướng thiện, thanh thản. Linh hồn của lễ hội là lễ rước Cộ - một hình thức nghệ thuật thông qua các trò diễn xướng dân gian chứa nhiều giá trị về tâm linh, văn hóa, nghệ thuật, điêu khắc, tạo hình, sân khấu, luật tục, lễ nghi,... tạo nên sự cố kết cộng đồng, sự kết nối quá khứ - hiện tại và tương lai, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa làng xã, bảo tồn những vốn quý của di sản văn hoá tinh thần của người dân địa phương.