“Nền cộng hòa” và cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được

Quảng Nam là mảnh đất đã sản sinh ra nhiều nhà chí sĩ yêu nước, tiêu biểu là cụ Phan Châu Trinh và cụ Huỳnh Thúc Kháng; đồng thời cũng là quê hương của những chiến sĩ cộng sản kiên cường. Và người dân Quảng Nam vốn có truyền thống cách mạng, một lòng một dạ thủy chung son sắt với Đảng, với Bác Hồ. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) được ký kết, đất nước ta tạm thời phân chia làm hai miền Nam - Bắc với ranh giới là sông Bến Hải, Mỹ - Diệm tiếp quản miền Nam và thẳng tay khủng bố, đàn áp nhân dân. Bọn chúng đã gây ra biết bao tội ác “trời không dung, đất không tha” nhằm trả thù những người ủng hộ cách mạng hoặc có người thân tham gia kháng chiến... Điển hình là những vụ thảm sát dã man tàn bạo ở Chợ Được, Chiên Đàn, Cây Cốc, Vĩnh Trinh, Sơn - Cẩm - Hà...

     Đầu tháng 9.1954, Mỹ - Diệm điều động đại đội 4 thuộc tiểu đoàn 661 kéo đến đóng quân ở chợ Được, một vùng quê cát có lễ hội văn hóa dân gian “Rước cộ nghinh sắc Bà” nổi tiếng gần xa. Đây là một vùng cát xác xơ nhưng lại là một trong những nơi cội nguồn cách mạng của huyện Thăng Bình. Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đất nước ta lần thứ hai (1946 - 1954), vùng quê cát này nằm cách quốc lộ 1A không xa là mấy, là vùng tự do của ta, kẻ thù điên cuồng đánh phá ác liệt, nhưng rồi đành phải bất lực, không sao chiếm được. Bởi lẽ giản đơn là người dân ở vùng quê cát này toàn là dân cách mạng. Khi “tiếp quản” Thăng Bình, Mỹ - Diệm vội đưa ngay binh lính tới Bình Triều lập đồn bót “đề phòng bất trắc” có thể xảy ra và khống chế răn đe “dân kháng chiến cứng đầu”.
     Sau khi “tiếp quản” Thăng Bình, để sớm hình thành bộ máy chính quyền tề ngụy ở các thôn xã, kẻ thù đã không ngớt rêu rao tuyên truyền về sự ưu việt của “nền cộng hòa” do “Ngô chí sĩ” (?!) sáng lập với những mỹ từ tự do, dân chủ, công bằng, bác ái... Bọn chúng nói một đàng nhưng lại làm một nẻo. Sáng ngày 4/9/1954, tên Trần Hải chỉ huy đám lính đại đội 4 từ chợ Được kéo lên cầu Bàu Bàng ở thôn Tất Viên xã Bình Phục, chặt cây dương liễu của bà con để lót đường, sửa cầu và đem về làm doanh trại. Trò chuyện với tôi, bà con nơi đây kể lại rành rọt sự kiện dẫn đến vụ thảm sát đẫm máu ở cầu Bàu Bàng và chợ Được xảy ra trong 4 ngày liên tiếp. Anh Nguyễn Hề có vườn cây dương liễu bị đám lính ngang nhiên đốn hạ, đã xông ra ngăn cản. Hai bên giằng co, cãi vã quyết liệt. Cậy thế đông, bọn địch chẳng những không dừng tay mà còn cố tình thách thức bằng cách đốn hạ thêm một số cây khác nữa. Việc làm của bọn chúng như lửa đổ thêm dầu, các chị đi chợ ngang qua thấy vậy liền đứng lại bênh vực cho anh Hề. Rồi bà con nông dân đang cày cấy ở quanh đấy cũng bỏ dở công việc, tập trung lại lên án hành động ngang ngược của bọn lính. Nhiều người tức giận chửi thẳng vào mặt bọn chúng: “Các ông bảo rằng Chính phủ Quốc gia là dân chủ, là công bằng, là bác ái... Vậy mà chính các ông lại không thực hiện cái điều gọi là dân chủ, công bằng! Hóa ra Chính phủ Quốc gia chỉ lừa bịp thiên hạ mà thôi!”. Đuối lý vì bị dân dồn vào thế bí, bọn chúng vội chụp cho mọi người “cái mũ” là “dân kháng chiến cứng đầu” bằng cái câu cửa miệng: “Chúng mày là Việt Minh định làm loạn, coi chừng tụi tao bắn bể sọ!”.
     Phẫn nộ trước hành động ngang ngược, trước những lời đe dọa của bọn địch, mọi người chẳng những không chùn bước mà còn gay gắt lên án hành vi vi phạm Hiệp định Gơ – ne - vơ, phá hoại tài sản Nhân dân của bọn chúng, đồng thời bắt buộc phải bồi thường thỏa đáng. Lập tức, tên Trần Hải lệnh cho đám lính dàn hàng ngang, mở chốt lựu đạn và chĩa súng vào đám đông lăm lăm nhả đạn. Với bản chất của một tên khát máu, sau một hồi “đấu lý” bị thua, y nã đạn vào những người dân vô tội. Rồi y đốc thúc đám lính dưới quyền đồng loạt nổ súng sát hại đồng bào. Anh Nguyễn Xin bị trúng đạn chết ngay tại chỗ. Chị Phạm Thị Thương bị trúng lựu đạn đổ gục xuống đất, đứa con nhỏ đứng gần đó cũng bị thương khắp người. Anh Phan Nghinh bị nhiều viên đạn bắn xuyên qua đầu. Mẹ Nguyễn Thị Bùi đang cấy lúa gần đấy bị bắn chết vắt người bên bờ ruộng. Chị Nguyễn Thị Nguyên bị sát hại khi trên tay cầm bó mạ đang cấy dở dang... Cả một vùng thuộc khu vực cầu Bàu Bàng ngổn ngang xác người chết và bị trọng thương với các tư thế nằm ngồi nghiêng ngửa... Chỉ chưa đầy ba mươi phút, bọn chúng đã giết chết 34 người, bắn bị thương nhiều người khác. Trong đó, có không ít gia đình bị tàn sát đến hai, ba người. Đặc biệt là gia đình anh Trần Chiêm, một nông dân hiền lành chất phác, quanh năm chân lấm tay bùn, có 3 người chết, 1 người bị thương nặng. Máu bà con loang đỏ ruộng, thấm vào cát, nhuộm sẫm từng vạt, từng vạt... Sau khi gây ra vụ thảm sát, bọn địch vội vã rút về chợ Được, cố thủ trong đồn bót.