Anh hùng LLVTND Lê Quang Cảnh 20/08/2014 | 12:00 AM 3203 In Gửi Email Phóng to Thu nhỏ Tương phản Đọc bài viết Lần giở trang sử truyền thống đấu tranh cách mạng của xã Bình Dương huyện Thăng Bình, chúng ta sẽ cảm phục biết bao về hành động dũng cảm cứu đồng đội giữa vòng vây kẻ thù của đồng chí Lê Quang Cảnh. Đồng chí Lê Quang Cảnh sinh năm 1920 tại xã Cẩm Thanh, thị xã Hội An, đồng chí sinh ra trong một gia đình nghèo đông con, cuộc sống lại khó khăn vất vả. Do đó, anh chị em đều phải ra đi tìm kế sinh nhai, còn đồng chí Lê Quang Cảnh thì cũng một nắng hai sương thức khuya dậy sớm buôn bán để kiếm từng đồng tiền độ nhật. Ngày ấy, từ Hội An theo ghe bầu vào xã Thăng An nay là xã Bình Dương và đồng chí cũng đi nhiều nơi khác. Cứ vậy, nhiều chuyến qua lại trong một tháng, một năm đã ghi lại trong anh nhiều kỷ niệm về một vùng đất sinh thời, một quê hương yêu dấu. Chưa ngoài 21 tuổi nhưng đồng chí đã bắt đầu một cuộc sống tự lập, trong những năm này đồng chí đã chứng kiến cảnh bắt bớ, đánh đập, tra tấn dã man của bọn quan lại, hào lý dưới chính quyền thực dân phong kiến tàn ác. Năm 1940 nghe tin tại xã Thăng An sắp thành lập một chợ mới Lạc Câu, đồng chí đến làm nghề thợ may ở đây và tình yêu trong anh cũng bắt đầu chớm nở, sau đó không lâu anh đã xây dựng gia đình với chị Phan Thị Xê, quê ở thôn I xã Thăng An (Bình Dương). Từ thực tiễn của cuộc sống gia đình mà mảnh đất này đã quyện chặt lấy anh! Lại được bà con làng xóm rất mực thương yêu mến phục. Vì biết đoàn kết và giúp đỡ mọi người khi ốm đau, hoạn nạn, lúc trái gió trở trời. Tuy trong cuộc sống khốn khó của gia đình, song anh cũng không hề quên nhiệm vụ mà tổ chức đang cần. Trong những năm 1944- 1945, đồng chí được bố trí hoạt động trong tổ chức cơ sở mật, do đồng chí Ngô Tấn Tâm giới thiệu, cũng trong năm 1945 khi chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đồng chí đã xung phong vào đội thanh niên Quyết tử và sôi nổi tham gia cùng bà con cướp chính quyền trong cách mạng tháng Tám 1945. Sau ngày cướp chính quyền đồng chí tham gia Trưởng ban Thông tin tuyên truyền, đội Nông dân Quyết tử, chủ nhiệm Việt Minh, Bí thư chi bộ vùng 7 cho đến năm 1954. Hiệp định Giơ- ne- vơ được ký kết ngày 20- 7- 1954, đồng chí được bố trí ở lại để thực hiện nhiệm vụ do đảng phân công, chờ ngày Tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Song, nguyện vọng ấy không trở thành hiện thực; Đế quốc Mỹ dùng chính sách thực dân kiểu mới, trắng trợn can thiệp vào nước ta, chúng dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm ở miền Nam. Khi xâm lược miền Nam chúng lập lên Hội đồng hương chính xã- một chính quyền tay sai ở cơ sở để thanh lọc, truy bức đảng viên và những người yêu nước, tại xã Bình Dương cũng vậy, nhân dân phải sống trong cảnh “cá chậu chim lồng”. Chúng âm mưu đề ra “trưng cầu dân ý” truất phế Bảo Đại để lên làm Tổng thống giành độc quyền làm tay sai cho đế quốc Mỹ. Lê Quang Cảnh cùng với một số đảng viên trong chi bộ động viên bà con, đấu tranh chống trưng cầu dân ý. Trong đó có việc phân phát một số truyền đơn của ta cho cơ sở, để khi đi bầu cử bí mật khéo léo bỏ vào thùng phiếu. Sau cuộc bầu cử này bọn địch điên cuồng truy lùng bắt bớ nhiều đảng viên và cơ sở cách mạng đem thủ tiêu, một mặt chúng dùng đòn tâm lý để kích động chia rẽ phân hóa hàng ngũ của ta, ra tay bắt bớ đánh đập tàn nhẫn những người chúng cho là cộng sản. Đặc biệt là sau vụ đấu tranh Chợ Được, địch đã chia Thăng Bình ra làm 5 khu hành chính- Chợ Được là một trong những khu vực được địch chú ý hơn, nên đã tập trung vũ lực và thực hiện quy chế một cách nghiêm ngặt hơn. Từ đó địch chia ra nhiều tốp đến các địa phương gọi tên, truy lùng bắt bớ những ai là đảng viên, tình nghi là thân nhân của những gia đình có con em đi thoát ly, tập kết. Ở Bình Dương cũng vậy nhiều người dân như sống trong cảnh có xác không hồn, nơm nớp lo sợ những tên lòng người dạ thú. Ngày 21- 11- 1955, địch tập trung nhiều cánh quân gồm có bảo an, dân vệ, địa phương quân chia ra nhiều tốp vây ráp Bình Dương như một vòng khép kín. - Một tốp theo bờ sông từ Đồng Thoải kéo lên hòng bắt ngư dân trên sông. - Một tốp từ động cát sục sạo kéo vào. - Một tốp lùng bắt đồng bào ta đang sản xuất ở cánh đồng thôn 1. - Nhiều tốp kéo đến lùng sục các thôn, đi đến đâu bọn chúng bắt người đến đó, kể cả người già và trẻ em. Đưa về sân đình Lạc Câu để thực hiện cái gọi là thanh lọc “tát nước bắt cá” của chúng. Khi bà con bị bắt tập trung về sân đình Lạc Câu, chúng đã dở trò điểm danh chỉ mặt từng người một với thái độ hằn học, hận thù. Chúng tách riêng những đảng viên, cán bộ, cơ sở cách mạng đứng sang một bên, ra tay đánh đập tra tấn đồng chí của ta ngay trước mặt quần chúng, đánh phủ đầu để uy hiếp tinh thần đồng bào ta là việc làm thâm độc để bắt những người nhẹ dạ khai báo. Trước tình hình đó, mọi người nhìn nhau với thái độ căm thù đối với bọn man rợ, nhưng cũng chưa ai nghĩ ra điều gì, cách nào để giải vây cho khoảng hơn 100 người đang ngồi ở đây. Đồng chí Lê Quang Cảnh cũng bị bắt trong vụ này, đồng chí ngồi bên đồng đội của mình chứng kiến cảnh bạo ngược trái ngang mà lòng đau như cắt. Anh suy nghĩ không thể chịu cảnh đời như vậy, phải giết ngay tên độc ác này, càng nghĩ bầu nhiệt huyết cách mạng càng nung nấu trong lòng anh như mạnh hơn cái chết. Anh ghé tai nói nhỏ với chị Tranh, chị Đẩu, với anh em ngồi kề nhau rằng: “Tôi phải hành động để giải vây cho bà con và đồng đội” với bản lĩnh của người cộng sản, anh đứng lên nhìn bà con chung quanh như chào bà con lần cuối, bà con nhìn thẳng vào mắt anh như muốn gửi gắm điều gì; trong giây phút với tư thế đứng thẳng người, đồng chí Lê Quang Cảnh đi thẳng về hướng tên lính địa phương quân đang cầm mã tấu và anh nói to: “ Tao là cộng sản đây, ta là người chỉ huy phá cuộc tổng tuyển cử của tụi bây”, vừa nói xong đồng chí liền giật cây mà tấu trong tay tên lính, giơ cao mã tấu bổ thẳng vào đầu tên ác ôn cảnh sát trưởng Phan Công Mai, khi đó y đang cầm trên tay danh sách gọi tên thanh lọc, tên Mai bị trọng thương liền bỏ chạy, bọn địch hoàn toàn bất ngờ trước hành động dũng cảm của đồng chí Lê Quang Cảnh, liền lúc đó bà con thoát chạy, bọn địch dơ súng bắn loạn xạ. Đồng chí Cảnh sau khi hành động, nhanh như chớp đồng chí cũng thoát khỏi vòng vây, trên tay cầm nguyên mã tấu chạy về hướng bờ sông, đồng chí giơ cao mã tấu như ra hiệu cho bọn địch đuổi theo, đồng chí vừa chạy vừa hô: “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!”, “Bác Hồ muôn năm!”. Đồng chí chạy được 300m địch đuổi theo bắn xối xả, đồng chí tuy bị trúng đạn nhưng còn gượng dậy hô to dõng dạc: “Đảng Cộng sản- Bác Hồ muôn năm!”. Trong trận này, có trên một trăm là cán bộ đảng viên và hàng chục cơ sở cách mạng đã thoát khỏi cái chết trong gang tất. Đồng bào và cán bộ trong xã vô cùng cảm phục hành động mưu trí, dũng cảm của đồng chí Lê Quang Cảnh. Về phía địch thì có thể nói rằng hoàn toàn bất ngờ và hoảng hốt trước hành động khẳng khái của người cộng sản, nên chúng vội vã ra lệnh thoát chạy ở cơ quan Hội đồng cũng để nhằm trấn an tư tưởng, bỏ dở công việc thanh lọc tố cộng mà chúng đã sắp đặt từ lâu. Hành động đó của đồng chí Lê Quang Cảnh đã làm cho địch phải chờm, những tên hung hăng đến đây phải chuẩn bị lực lượng mới dám ra tay truy lùng bắt bớ. Tên Mai không bị chết trong trận này, nhưng sau đó hắn cũng bị đền tội đích đáng bằng kế sách của ta. Như vậy, ngay trong đêm hôm đó các đồng chí của xã Bình Dương và chi bộ đã bí mật tổ chức lễ truy điệu đồng chí Lê Quang Cảnh; đồng chí đồng đội và bà con trong vùng cùng gia đình tổ chức đưa thi hài của đồng chí đến nơi an nghỉ cuối cùng tại vùng đất giàu lòng nhân ái và cách mạng này. Huỳnh Kim Xuân