Vụ thảm sát thôn 1, xã Bình Dương 16/07/2014 | 12:00 AM 2387 In Gửi Email Phóng to Thu nhỏ Tương phản Đọc bài viết Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) của quân và dân ta trên khắp các chiến trường miền Nam. Từ đồng bằng đến thành thị, đã làm cho chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ phá sản hoàn toàn. Nhằm để cứu vãn tình thế trước nguy cơ sụp đổ của chính quyền tay sai, đế quốc Mỹ và ngụy quyền ở miền Nam liền tiến hành một cuộc phản công chiến lược mới: “Việt Nam hóa chiến tranh”. Với chiến lược này, chúng liền thực thi chính sách “Bình định nông thôn” trên khắp các chiến trường ở miền Nam Việt Nam, chúng tổ chức nhiều cuộc hành quân lấn chiếm và càn quét vào các vùng giải phóng, gây nên nhiều vụ tàn sát đẫm máu, giết hại hàng ngàn người dân vô tội, nhất là người già, phụ nữ và trẻ con. Ở Quảng Nam nói chung và Thăng Bình nói riêng, nhất là các vùng nông thôn, miền núi và ven biển, chúng ồ ạt đưa quân đến càn quét, đốt phá và bắn giết, với ý đồ tìm diệt các cán bộ cơ sở cách mạng của ta ở những vùng tự do này. Bình Dương là một trong những địa phương có phong trào cách mạng quần chúng mạnh mẽ nhất của vùng Đông Thăng Bình và cả tỉnh, nơi đây là căn cứ địa vững chắc, là hậu phương lớn chi viện cho các xã lân cận và cả vùng Đông; vì thế từ đầu năm 1969, đế quốc Mỹ và tay sai đã mở nhiều cuộc càn quét, với quy mô ngày càng ác liệt hơn, gây ra nhiều vụ tàn sát đẫm máu cho thường dân và làm tổn thất cho lực lượng cách mạng của ta tại đây khá nhiều. Bình Dương là một xã vùng cát ở phía Đông huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Phía Bắc giáp xã Duy Nghĩa, phái Đông giáp xã Duy Hải của huyện Duy Xuyên và biển Đông, phía Nam giáp xã Bình Minh và Bình Đào, phía Tây giáp sông Trường Giang. Ngày 20/10/1969, bọn Mỹ- ngụy đã bất ngờ đổ quân vây ráp vào các làng trong xã, có cả máy bay, pháo binh hiểm trợ, chúng đốt nhà, bắn giết bừa bãi nhằm uy hiếp và chiếm đóng lâu dài ở đây, thế nhưng chúng phải rút chạy sau 15 ngày đêm đánh phá. Quyết không từ bỏ dã tâm lấn chiếm và đánh phá các cơ sở cách mạng của ta ở Bình Dương; ngày 12/11/1969, một lần nữa, bọn Mỹ- ngụy lại xua quân mở đợt càn quét lần thứ hai. Với lực lượng và các phương tiện chiến tranh quy mô hơn, đặc biệt là lần này có cả quân chư hầu Nam Triều Tiên, chúng cho quân đổ bộ từ Trảng Dài đến Trảng Mó, từ xóm bà Kiểm đến xóm bà Gốc, ý đồ của chúng là “đốt sạch” và “giết sạch”, bọn chúng cho quân vây chặt các ngã đường dẫn vào các xóm, chúng gom dân ở xóm ông Lam (Trảng Đông) cả già lẫn trẻ gồm 74 người, lùa đến Trảng Lầm (gần nghĩa địa Tộc Phan) rồi xả súng giết sạch, trong số này có một em bé mới tròn 3 tháng tuổi đang ôm vú mẹ may mắn thoát chết; ở thôn 4 (Bàu Bính), chúng gom 54 người đưa đến vườn ông Trì, xả súng giết hại; ngoài ra, chúng còn lùng sục vào các hang cùng ngõ hẹp, các xóm thôn trong xã, dùng lựu đạn đánh sập nhiều hầm hố hoặc dùng súng bắn xối xả vào các nơi trú ẩn của thường dân, gây nên bao đau thương mất mác về người và của. Tính chung trong đợt càng quét này, chúng đã giết hại khoảng 800 dân lành, trong đó hầu hết là người già, phụ nữ và trẻ con. Khắp nơi trong xã lúc này đâu đâu cũng nghe tiếng gào khóc của những gia đình nạn nhân, những chiếc khăn tang trắng xóa trên những mái đầu của những người may mắn thoát nạn, họ gào thét trong căm hờn và ghê tởm bởi tội ác khó dung; tuy đâu thương, mất mác quá lớn lao, nhưng điều ấy không làm họ sờn lòng, mà càng nung nấu thêm lòng căm thù, họ quyết một lòng siết chặt tay nhau dưới sự lãnh đạo của Đảng trên trận tuyến chống Mỹ cho đến ngày thắng lợi cuối cùng. Để ghi lại chứng tích tội ác của kẻ thù và tưởng nhớ đến những người đã hy sinh trong cuộc thảm sát này, ngành văn hóa thông tin và chính quyền địa phương đã xây dựng tại đây một nhà bia tưởng niệm, đặt trên đồi bà Yên, làng Dương Trường; trên tấm biển đồng, khắc lại những dòng chữ ghi lại tóm tắt sự kiện đẫm máu ngày nào của kẻ thù đã gây nên tội ác dã man cho nhân dân trên mãnh đất này như là một chứng tích lịch sử khó quên./. P.V.B - P.C.T