Làng nghề nước mắm Cửa Khe

Nước mắm Cửa Khe - Bình Dương (huyện Thăng Bình) đã từng nổi tiếng từ lâu đời và được nhiều người ưa chuộng vì chất lượng thơm ngon, hiện nay làng nghề này vẫn đang trên đường phát triển với những tín hiệu vui. Sản phẩm của làng nghề sẽ góp cho hương vị các bữa ăn hàng ngày ở các gia đình thêm đậm đà hơn.
 

    Trong ảnh: Làng nghề truyền thống nước mắm Cửa Khe tham gia Hội chợ Quảng Nam 2008
  Làng nghề nước mắm Cửa Khe có từ hàng trăm năm nay. Vùng đất này thuận lợi cho việc khai thác và chế biến hải sản nên ngày càng được cư dân ở đây duy trì và phát triển. Sản phẩm chính của làng nghề là nước mắm cá cơm và cá khô xuất khẩu. Sản phẩm nước mắm được làm từ cá cơm gồm cá cơm và muối. Cá dùng để sản xuất là cá cơm thuần không lẫn với các loài cá và hải sản khác. Quy trình sản xuất nước mắm cá cơm của làng nghề Cửa Khe bắt đầu ngay từ trên tàu, sau khi đánh bắt, cá được vớt lên tàu bằng vợt, rửa sạch bằng nước biển và loại bỏ các tạp chất rồi trộn cá với muối theo tỷ lệ 2,5 – 3kg cá/1kg muối. Dụng cụ trộn phải bằng gỗ để tránh làm hỏng cá. Cá sau khi được trộn với muối gọi là cá chượp được bảo quản trong hầm tàu và được rải đều một lớp muối dày 5cm trên bề mặt. Khi tàu về đến cửa biển Cửa Khe, cá chượp được bốc dỡ cho vào thùng ủ và tiếp tục phủ lên bề mặt một lớp muối dày và nén chặt bằng các thanh gỗ cứng. Quá trình ủ chượp từ 06 – 12 tháng bà con mới bắt đầu rút nước mắm cốt. Việc pha chế nước mắm cốt với nước mắm long tạo ra nước mắm thành phẩm có độ đạm và hương vị thích hợp.

Tin liên quan