Xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp - chìa khoá phát triển bền vững

Thúc đẩy chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững. Vì vậy, trong thời gian qua huyện Thăng Bình đã tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; chú trọng phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng cơ giới hoá, nông nghiệp hữu cơ, củng cố phát triển các chuỗi liên kết hiện có và xây dựng mới các chuỗi liên kết đối với các nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương.

Thăng Bình là huyện nông nghiệp với gần 60% người dân sản xuất nông nghiệp. Triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thời gian qua, Huyện uỷ, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung Đề án nhằm từng bước tổ chức lại sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện. Kinh tế hợp tác có nhiều chuyển biến, hiện nay hiện nay, huyện Thăng Bình đã có 19 Hợp tác xã, tổ hợp tác và cá nhân thực hiện liên kết sản xuất, tích tụ đất đai được 696 ha, trong đó thuê đất 138 ha, còn lại là người dân, HTX liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi liên kết; các mô hình thực hiện theo quy trình kỹ thuật chung, được thống nhất giữa các bên tham gia thực hiện, với sự hướng dẫn kỹ thuật của các công ty, HTX liên kết sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học, áp dụng các tiêu chuẩn bền vững cho một số nông sản với sự phối hợp cùng các doanh nghiệp liên quan của ngành nông nghiệp. 

Nổi bật trong mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất và liên kết sản xuất ổn định và có chiều hướng phát triển là Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào, Bình Nam, Bình Hải, Bình Quý, Bình Chánh, … Các Hợp tác xã này liên kết sản xuất cả giống lúa và lúa thương phẩm, đậu phụng, mè đen,... một số dịch vụ khác trong sản xuất nông nghiệp. Hợp tác xã Thanh Niên bước đầu sản phẩm lúa thương phẩm theo hướng hữu cơ tại một số địa phương như thị trấn Hà Lam, Bình Nguyên, Bình Đào. Về Tổ hợp tác, cá nhân có THT Khởi nghiệp Trường Giang, xã Bình Đào; ông Bùi Viết Lợi, thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều bước đầu thực hiện trồng lúa thương phẩm, sen… đang có chiều hướng phát triển tốt. 

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ năm 2018 – 2020 đã thu hút được 14 chủ thể, với 17 sản phẩm (trong đó có  02 sản phẩm  4 sao, 15 sản phẩm 3 sao). Một số nông sản của huyện Thăng Bình đã có mặt trên các kệ hàng tại các địa phương trong tỉnh, ngoài tỉnh, thậm chí bán online ra nước ngoài. Tiêu biểu là các sản phẩm như yến tinh chế sấy khô, gạo cái quạt mo, bánh tráng cuốn Hương Huệ, phở khô Hương Huệ, cao chè vằng Miền Trung, Dầu tràm Linh Vũ, tinh bột nghệ tabitha, dầu phụng, dầu mè HTXNN Bình Đào, Bình Nam, trà và cao cà gai leo Đại Việt,…

Về chuỗi liên kết phát triển sản xuất theo chuổi giá trị theo Chương trình mục tiêu Quốc gia Nông thôn mới từ năm 2019 đến năm 2020 đã có 70 dự án được triển khai ở hầu hết các địa phương trên các lĩnh vực từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến thủy sản, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Nhiều dự án đang sản xuất ổn định, có liên kết đầu vào, đầu ra trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. 

Có thể nói, đồng hành cùng người dân, HTX, THT trên địa bàn huyện trong thời gian qua đó là các doanh nghiệp, họ như những đầu tàu để kéo các HTX, THT, người nông dân cùng tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo hướng phát triển ổn định và nâng cao giá trị nông sản. Có thể kể đến như các công ty giống cổ phần Thái Bình Seed chi nhánh Miền Trung – Tây Nguyên; Công ty giống Quảng Bình; Công ty giống Trung ương Quảng Nam; Công ty Cổ Phần Nghiên cứu & Phát triển Dược liệu Đại Việt....

Tuy nhiên, quá trình hình thành và phát triển các chuỗi giá trị trong nông nghiệp trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn, hiệu quả chưa cao. Trong tổng số các HTX đang hoạt động trên địa bàn huyện có rất ít HTX hoạt động hiệu quả, đa số HTX và nông dân đều thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất…, số lượng chuỗi giá trị được hình thành vẫn còn ít, quy mô nhỏ. Tình trạng được mùa, mất giá vẫn là cái khó chung của ngành nông nghiệp cả nước và của huyện, được đầu ra cho nông sản không ổn định. Bên cạnh đó, tính liên kết giữa người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ; công tác quản lý nhà nước về thực hiện hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân còn bất cập...