Nhưng bước ngoặc đầu đời của anh lại là ngày đầu tiên khi quê hương vừa được giải phóng, xem các tiết mục đoàn ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng biểu diễn thì anh mới dám xin thầy Nguyễn Thanh Việt - Trưởng đoàn lúc bấy giờ cho theo học. Thầy chỉ cho anh từng ly, tỷ mỷ cách luyến âm, lấy giọng, cách sáng tác, biểu diễn…Anh tiếp thu rất nhanh sau mấy tháng “tầm sư” và trở lại quê hương Bình Triều tham gia làm anh “cán bộ văn hóa xã” từ đó.
Ngày đó, Nguyễn Tấn Hòa trẻ trung sôi động với nhiều sáng tác thơ ca, hò vè, kịch ngắn được nhân dân trong huyện biết đến khi tham gia văn nghệ tuyên truyền đắp đập Cao Ngạn, xây dựng các tuyến kênh thuỷ lợi Phú ninh, đê Bình Giang, Bình Dương. Vừa sáng tác, anh vừa biểu diễn, lại kiêm nhiệm luôn biên tập, phát thanh viên chương trình phát thanh của xã. Công việc tất bật liên tục nhưng tuổi trẻ đâu có sá gì. Hòa chỉ biết âm thầm vượt qua những khó khăn về vật chất để đem món ăn tinh thần đến cho nhân dân. Hết xuôi ngược trên các công trường, Nguyễn Tấn Hòa được UBND xã Bình Triều cử vào vị trí Trưởng Ban Văn hoá xã. Công việc không tên này càng đòi hỏi lòng nhiệt huyết và sự cần mẫn, cẩn thận do vậy anh đã bố trí chuyện gia đình ổn thoả và lao ngay vào công việc. “ Viết được, nói được, cắt được, dán được, sáng tác được, biểu diễn được, đó là thế mạnh của tôi, nên tôi không ngần ngại khi được UBND xã giao việc ”- Anh Nguyễn Tấn Hòa nói. Nhiều lần không kịp ăn, quên cả ngủ để lo trang trí, điện đài cho lãnh đạo xã tổ chức các sự kiện quan trọng , công việc nào cũng được triển khai chu đáo, không để xảy ra sai sót . Với vốn liếng tích lũy hàng chục năm, anh đầu tư viết và dàn dựng nhiều tiểu phẩm, kịch dân ca để lại ấn tượng trong lòng công chúng. Các tác phẩm tiêu biểu như “Tình người cao tuổi”- tiết mục được công diễn tại Đại hội Người Cao tuổi tỉnh Quảng Nam; Chương trình văn nghệ tuyên truyền An toàn giao thông của trường Tiểu học Cao Bá Quát (Bình Giang) lọt vào chung kết cấp tỉnh; Tiểu phẩm “ Tại mình chứ tại ai” tuyên truyền về An toàn giao thông; “Rau xanh trên cát”; “Trồng cỏ nuôi bò”; “Thăng Bình quê tôi”… tất cả đều dàn dựng theo các làn điệu dân ca được bà con mến mộ. Nguyễn Tấn Hòa còn có một năng khiếu là sáng tác rất nhanh. Chỉ cần ngồi suy nghĩ trong ít phút là có thể được một đoạn dân ca tuyên truyền về một chủ đề nào đó. Anh Phan Minh Hải, cán bộ văn phòng xã Bình Triều cho biết : Có lần cán bộ khuyến nông đang say mê báo cáo chuyên đề về một giống lúa mới để khuyến cáo nông dân đưa vào sản xuất, đứng ngoài hội trường nghe được nội dung, anh Hòa liền chắp bút, khi đến giờ giải lao anh xung phong tham gia tiết mục văn nghệ. Cả hội trường vỗ tay thán phục khi được nghe những làn điệu dân ca mượt mà đúng nội dung bài giảng do chính anh Hòa sáng tác và biểu diễn. Ở Bình triều, nhân dân đặt cho ông cái tên triều mến: “Ông Hòa dân ca”.
Khi được hỏi về thù lao trong những lần tham gia viết kịch bản và dàn dựng các tiết mục cho các địa phương, đơn vị, anh Hòa vui vẻ trả lời: “Tiền bạc rồi cũng qua đi, cái chính là để lại cái gì trong lòng người dân , nơi chúng ta đang sống; Biểu diễn, sáng tác mà dân hoan hô là tốt lắm rồi. Ai thù lao bao nhiêu cũng được, không bao giờ tôi đòi hỏi”.
Bây giờ Nguyễn Tấn Hòa đã qua cái tuổi lục tuần, anh vừa được tín nhiệm bầu vào chức danh Chủ tịch Hội người cao tuổi của xã. Hội người cao tuổi của xã có hơn 1500 cụ đang sinh hoạt tại 22 tổ, 4 chi hội. Tuy mới tiếp xúc với công việc nhưng các hoạt động của hội được duy trì đều đặn, được đánh giá là hội vững mạnh hàng năm.
Ấy vậy mà cuộc sống của cả gia đình anh vẫn phải dựa vào cái nghề tráng bánh tráng của vợ. Chính cái nghề “Gia truyền” này đã tạo điều kiện cho anh yên tâm công tác, cống hiến cho xã hội, và nuôi 6 người con ăn học thành đạt. Một người con trai của anh tiếp bước truyền thống của cha đã tốt nghiệp Đại học Văn hoá Nghệ thuật. Khi được hỏi về nguyện vọng của mình, anh mong muốn có một câu lạc bộ dân ca ngay tại quê hương mình để lưu truyền cho thế hệ con cháu mai sau những tinh hoa văn hóa của cha ông để lại. Với những đóng góp cho sự nghiệp văn hoá gần 30 qua, năm 2012 anh được Huyện ủy Thăng Bình tặng giấy khen về cá nhân tiêu biểu trong thực hiện cuộc vận động học và làm theo gương Bác. “Hãy lấy cái riêng để phục vụ cái chung nhất, mình luôn nặng nợ với quê hương chứ quê hương không bao giờ nợ mình”- Nguyễn Tấn Hòa từng nói và làm được như vậy./.